Đạm Hà Bắc lỗ lũy kế lên đến 2.600 tỉ đồng
Tăng trưởng trong thua lỗ
Trong quý III/2018, doanh thu Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) tăng trưởng so cùng kỳ nhưng gánh nặng chi phí lãi vay tiếp tục là nhân tố khiến đơn vị này phải thua lỗ.
Theo đó, doanh thu thuần DHB đạt gần 800 tỉ đồng, so với cùng kỳ tăng trưởng hơn 34%. Lợi nhuận gộp hơn 171 tỉ đồng, gấp 3.4 lần so với quý III/2017.
Tuy nhiên, chi phí lãi vay một lần nữa là “ác mộng” với DHB khi ở mức 187 tỉ đồng (chiếm 85% trong chi phí tài chính là 235 tỉ đồng). Cộng thêm chi phí bán hàng và quản lý, DHB ghi nhận lỗ ròng hơn 100 tỉ đồng, ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp lỗ trong năm nay.
Trong quý III, Đạm Hà Bắc cho biết giá bán sản phẩm thị trường trong nước và thế giới có xu hướng tăng. Tuy nhiên, công ty cũng gặp khó khăn khi giá nguyên liệu chính đầu vào tăng, nguồn cung hạn chế, tỷ giá tăng mạnh. Ngoài ra, công ty còn gặp khó khăn từ chi phí lãi vay và giá than cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, DHB lỗ gần 269 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước thì giảm lỗ đáng kể. Tại thời điểm 30.09.2018, tổng tài sản của DHB còn 9.600 tỉ đồng, chủ yếu là tài sản cố định. Tổng vay nợ là 7.736 tỉ đồng, chiếm hơn 80% nguồn vốn. Lỗ lũy kế của công ty đã đạt 2.600 tỉ đồng, gần ăn mòn vốn góp chủ sở hữu 2.722 tỉ đồng.
Trong năm 2018, Đạm Hà Bắc đặt kế hoạch doanh thu hơn 2.711 tỉ đồng và lỗ sau thuế 720,7 tỉ. Như vậy, công ty đã thực hiện 87% kế hoạch doanh thu cả năm.
Cầu cứu chính phủ
Trước đó, trong quý 1, DHB vừa tiếp tục báo lỗ hơn 86,4 tỉ đồng và dự kiến lỗ cả năm hơn 720 tỉ đồng.
Mức lỗ của DHB trong những tháng đầu năm chủ yếu vẫn do lãi vay quá cao, lên tới gần 158 tỉ đồng. Trong tờ trình Đại hội cổ đông sẽ diễn ra vào ngày 21.4, công ty nhận định năm nay, hàng loạt khó khăn cần đối mặt.
Do đó, ban lãnh đạo công ty cũng đưa ra các kiến nghị để giúp công ty duy trì ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn để tiến tới thoát lỗ. Cụ thể, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo dòng tiền.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam giãn thời gian thanh toán tiền than và bảo đảm nguồn cung cấp than khi công ty gặp khó khăn về dòng tiền.
DHB cũng kiến nghị chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam giảm giá bán than cho công ty trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và hợp tác lâu dài.
Ngoài ra, công ty cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa luật thuế 71 theo hướng đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng điều chỉnh của Luật thuế giá trị gia tăng với thuế suất từ 0 đến 5%, sửa đổi cách tính thuế xuất khẩu đối với phân bón sản xuất từ than.
Với các nhận định còn khó khăn, DHB đặt kế hoạch năm 2018 với con số tổng doanh thu 2.711 tỉ đồng và tiếp tục lỗ nặng tới hơn 720 tỉ đồng, còn cao hơn mức lỗ 609 tỉ đồng của năm 2017.