Đảm bảo hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu gas xuống 0%
Trước việc giá gas tăng kỷ lục từ đầu năm đến nay, mỗi bình gas 12kg tăng từ 78.000 - 79.000 đồng/bình, đẩy giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng (NTD) lên đến 485.000 - 491.000 đồng/bình 12kg, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - phân tích, nguyên nhân chính là do giá gas trên thị trường thế giới theo thông báo tháng 11 tăng 267,5USD/tấn so với tháng 10.
“Hiện nay, gas là mặt hàng Nhà nước không thực hiện bình ổn giá, mà quản lý giá theo nguyên tắc thị trường. Các DN kinh doanh gas phải thực hiện đăng ký giá và bán theo giá niêm yết, trong khi thị trường gas đã cạnh tranh rất quyết liệt” - ông Quyền nói.
Việc gas tăng giá đột ngột sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, theo ông Quyền, tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước, tổ điều hành đã nhất trí kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu gas hiện nay là 5% xuống mức 0% để giảm bớt khó khăn cho người sử dụng.
Vấn đề kiểm tra, kiểm soát thị trường gas cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, nhiều phóng viên nêu câu hỏi, hiện TCty Khí VN (PV Gas) là nhà phân phối độc quyền LPG cho thị trường trong nước, trong khi giá khí khai thác từ các mỏ Bạch Hổ và Nam Côn Sơn được ưu đãi, không theo giá thế giới; PV Gas là Cty đại chúng công bố mức lãi “khủng” trong 9 tháng đầu năm, vậy liệu việc kinh doanh gas theo giá thế giới có vi phạm Luật Cạnh tranh, khi DN độc quyền lũng đoạn thị trường? Có ý kiến cho rằng, giá gas trong nước tăng là do DN trong nước “ém” hàng hoá, liệu Cục Quản lý thị trường có buông lỏng để DN trong nước thao túng giá hay không?
Đại diện Vụ Thị trường trong nước tái khẳng định, giá gas tăng là do giá thế giới tăng, hiện sản xuất gas trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường. Còn đối với việc kinh doanh của PV Gas, vị đại diện này cho rằng, PV Gas không vi phạm Luật Cạnh tranh chống độc quyền, bởi toàn bộ khối lượng LPG mà DN này xuất bán đều được đấu giá theo từng lô hàng (6 tháng/lần), có sự tham gia giám sát của các bộ, ngành.
Không để sốt giá
Mặc dù đến thời điểm này, theo nhận định của Bộ Công Thương là tình hình tiêu thụ hàng hoá đã tăng so cùng kỳ (chỉ số tiêu thụ 10 tháng tăng 10,4%), chỉ số tồn kho công nghiệp có dấu hiệu giảm hơn so với tháng trước. Vì vậy, nguồn cung dồi dào, giá cả không biến động nhiều là những yếu tố khiến chỉ số CPI tháng 11 chỉ tăng 0,34%, 11 tháng CPI tăng 5,54% so với tháng 12.2012.
Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 12,56% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá tiêu dùng chỉ tăng 5,54%. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm hàng hoá thiết yếu sẽ được dịp bùng nổ vào thời điểm trước, trong và sau tết.
Được biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương địa phương triển khai chương trình bình ổn giá với mức hỗ trợ từ nhiều nguồn vốn, đảm bảo bình ổn giá đến tay người tiêu dùng. Nhiều địa phương triển khai chương trình kết nối cung cầu, như khu vực 23 tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, với trên 400 DN ký kết hợp đồng tham gia chương trình, tăng 4-5 lần số DN tham gia so với năm ngoái...
Theo ông Trương Quang Hoài Nam - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - từ nay tới Tết Nguyên đán, Cục QLTT sẽ tổ chức 6 đợt kiểm tra, kiểm soát đối với các loại hàng hoá thiết yếu, hàng hoá phục vụ tết nhằm hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đã yêu cầu các DN tập trung sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hoá ra thị trường dồi dào; đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cả nguồn cung, khâu phân phối và giá đến tay người tiêu dùng.
(Theo Laodong)