Thứ Tư | 12/12/2012 20:46

Đại sứ Nhật tại Việt Nam: Việt Nam cần giải quyết nợ xấu nhanh hơn

Để tăng cường hệ thống thì các ngân hàng mạnh sẽ đứng ra thu nạp ngân hàng nhỏ, mua lại nợ xấu hoặc xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu.
Năm 2013, Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với xấp xỉ 50% cam kết vốn đầu tư trực tiếp FDI, đồng thời là đối tác viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị CG 2012, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - ông Yasuaki Tanizaki đã có một số trao đổi về các vấn đề liên quan đến giải quyết nợ xấu, giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và việc tăng cường hiệu quả sử dụng đồng vốn ODA...
Trong bài phát biểu của mình tại CG năm nay, ông có nhấn mạnh: Để tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam cần phải có một nền tài chính lành mạnh mà trong đó, mấu chốt là phải giải quyết được vấn đề nợ xấu. Theo ông, với tình hình kinh tế hiện tại, Việt Nam phải làm gì?

Về vấn đề nợ xấu, Việt Nam đang đi theo hướng đúng đắn nhưng cần phải giải quyết vấn đề này nhanh chóng hơn và quan trọng nhất là cần tăng cường tính minh bạch trong chuyện này. Để tăng cường hệ thống thì các ngân hàng mạnh, bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài sẽ đứng ra thu nạp các ngân hàng nhỏ, mua lại nợ xấu hoặc xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu hoặc đang xếp hạng thấp.

Trong phát biểu của mình ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường tính sáng tạo hơn nữa trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông có gợi ý nào về những sáng tạo này cho Việt Nam?

Đầu tư nước ngoài của Nhật Bản dành cho Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ, đã tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Trong năm nay, tổng số vốn đã được xác nhận về FDI của Nhật Bản vào Việt Nam là 4 tỷ USD, tức hơn nửa tổng vốn FDI của Việt Nam và các nhà đầu tư của Nhật Bản có khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh vốn FDI vào năm sau, nên Việt Nam cần chuẩn bị để tăng cường thu hút đầu tư vào năm sau…

Vấn đề là Việt Nam thường mất khá nhiều thời gian để làm thủ tục cho phép đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như lĩnh vực dịch vụ. Hiện tại hai nước đã nhất trí là phía Việt Nam sẽ thảo ra một tiêu chuẩn mới để cải thiện vấn đề này, đây rõ ràng là một bước tiến quan trọng trong quá trình thu hút vốn FDI cho Việt Nam.

Làm thế nào để tăng cường hiệu quả sử dụng ODA?

Những dự án Nhật Bản hỗ trợ cho Việt Nam đều là những dự án mà phía Việt Nam rất cần bao gồm: Xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội, nên phía Việt Nam rất cố gắng triển khai theo kế hoạch và đã thực hiện khá tốt việc triển khai ODA của Nhật Bản.

Nhưng những năm gần đây cũng có một số vấn đề là các dự án cần những khoản vốn lớn thì cần một phương pháp ODA mới, nghĩa là vốn ODA sử dụng các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện. Chính vì vậy, tôi nghĩ là chính phủ Việt Nam nên chỉ đạo mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp triển khai được theo tiến độ ban đầu đặt ra.

Nguồn VTV


Sự kiện