Tại Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2014 của VFMVF1 chiều 25/03, Ban đại diện quỹ cho biết, tính đến cuối năm 2013, N.A.V của VFMVF1 tăng trưởng 25% lên 1,088 tỷ đồng, tương đương 19,051 đồng/ccq, vượt VN-Index 3.3% và vượt HNX-Index 6.5%. Từ khi thành lập quỹ mở vào tháng 08/2013, nhà đầu tư đã rút hơn 40% quy mô quỹ.
Trong năm 2013, Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) đã tìm đối tác để thanh lý danh mục chứng khoán chưa niêm yết trong 6 tháng đầu năm gồm 7 cổ phiếu, chiếm 5.2% N.A.V tại ngày 31/12/2012. Bên cạnh đó, quỹ cũng đã thanh hoán 11 cổ phiếu niêm yết, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào 3 cổ phiếu mới cùng với danh mục đã có.
Cuối năm 2013, danh mục đầu tư của VFMVF1 bao gồm các cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX lần lượt chiếm 80% và 4.9% N.A.V với 16 cổ phiếu, tập trung vào 9 ngành, trong đó 3 ngành lớn nhất chiếm 55% tỷ trọng là ngành Thực phẩm, Vật liệu, Thiết bị và Phần cứng công nghệ. Trong năm quỹ giải ngân thêm vào ngành Thực phẩm (mua thêm VNM), ngành Thiết bị & Phần cứng công nghệ (tăng đầu tư vào FPT), ngành Tiện ích công cộng (mua thêm GAS).
Bên cạnh đó, VFMVF1 cũng giảm tỷ trọng DPM và chuyển một phần đầu tư vào HPG, thoái những cổ phiếu kém thanh khoản và gia tăng tỷ trọng vào REE. Với ngành ngân hàng, VFMVF1 mua 2 cổ phiếu duy trì cổ tức ổn định là MBB và CTG, giảm tỷ trọng các ngành chịu tác động không tốt từ thị trường và ngành có cổ phiếu OTC như Bất động sản, Vận tải, Dịch vụ tài chính, Dịch vụ viễn thông và dược phẩm. Tăng tỷ trọng cổ phiếu có vốn hóa lớn từ 52% lên 75% N.A.V, giảm cổ phiếu vốn hóa vừa xuống còn 9.6%.
Phân bổ 80-90% N.A.V vào cổ phiếu trong năm 2014
Tại đại hội, đại diện quỹ cũng trình nhà đầu tư kế hoạch kinh doanh năm 2014. Theo VFMVF1, đây có thể là năm đầu tiên đi từ đáy suy thoái lên của nền kinh tế Việt Nam, các yếu tố nội tại của nền kinh tế đang tốt lên. Quỹ VFMVF1 tiếp tục theo đuổi chiến lược của quỹ đầu tư cân bằng, tỷ lệ cổ phiếu sẽ duy trì mức cao và tỷ lệ tiền ở mức thấp. Tài sản linh hoạt phân bổ 80-90% N.A.V vào cổ phiếu nhằm nắm bắt cơ hội tăng trưởng của thị trường cổ phiếu; 10-20% còn lại từ thu nhập ổn định từ lãi suất ngân hàng hoặc trái phiếu chính phủ.
Danh mục chủ chốt (80% giá trị đầu tư) tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn và dành tối đa 20% giá trị đầu tư cho cổ phiếu vốn hóa vừa và vẫn đảm bảo thanh khoản. Danh mục chủ chốt này vẫn thuộc các ngành hàng tiêu dùng, vật liệu, viễn thông, bán lẻ. tìm cơ hội đầu tư vào những ngành có tính chu kỳ như bất động sản, xây dựng, cơ sở hạ tầng…
Đại diện quỹ VFM cũng chia sẻ thêm về việc tham gia vào quá trình cổ phần hóa của các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, VFM đã cùng quỹ Dragon Capital làm việc với chương trình cổ phần hóa của các tổng công ty Nhà nước nước, bước đầu là việc tư vấn cho các Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước này. Tuy nhiên, cơ hội đối với cổ phần hóa hạn hẹp do quy định đầu tư vào OTC của quỹ phải theo quy định doanh nghiệp có lộ trình niêm yết trong 12 tháng.
Nguồn Vietstock