Đại hội cổ đông Coteccons: Nóng chuyện giá cổ phiếu CTD giảm
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa mới diễn ra của Coteccons (sáng 2/6), một trong những vấn đề được trăn trở nhất là vì sao Coteccons kinh doanh tốt, vẫn duy trì tăng trưởng hai con số, với doanh thu hơn 27.000 tỉ đồng, lãi ròng đạt hơn 1600 tỉ đồng, thực hiện những dự án tầm cỡ như Vinhomes Golden River, Landmark 81, nhưng cổ phiếu CTD của Coteccons lại giảm hơn 40% kể từ cuối năm 2017 đến nay? Đáng nói là thời điểm cổ phiếu CTD giảm, xu hướng thị trường chứng khoán khi đó lại tăng mạnh.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons cho rằng, Hội đồng quản trị rất đau đầu với diễn biến này. Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, thành viên Hội đồng quản trị đoán, cổ phiếu CTD giảm có thể do những lo ngại về bất đồng trong nội bộ Công ty.
Theo báo cáo thường niên thì trong cơ cấu cổ đông, trong danh sách cổ đông lớn, ngoài ông Nguyễn Bá Dương còn ghi nhận sự hiện diện của Kustocem và công ty Kinh doanh và Đầu tư Thành Công. 2 cổ đông lớn này hiện nắm khoảng 32% vốn điều lệ.
Thời gian qua, có tin đồn về mối quan hệ giữa Ban điều hành và các cổ đông lớn của Coteccons có lúc “cơm không lành, canh không ngọt”. Các kế hoạch, dự định của Coteccons không phải luôn nhận được sự đồng tình. Tâm lý chung của các cổ đông là luôn muốn CTD phải chạy nhanh hơn nữa, với các chi tiêu doanh thu, lợi nhuận phải tăng cao hơn. Chẳng hạn năm ngoái, lãnh đạo CTD muốn hướng tới một kế hoạch thấp hơn nhưng để hòa hảo với cổ đông lớn, ban điều hành đã chìu theo kế hoạch tăng trưởng cao. Kết quả, lợi nhuận năm 2017 của Coteccons không đạt như kế hoạch.
Năm nay, theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, Coteccons sẽ gặp những khó khăn như chi phí bảo hiểm tăng lên do chính sách bảo hiểm đã thay đổi. Hay thị trường bất động sản tập trung nhiều vào phân khúc nhà ở… sẽ khiến kinh doanh của Coteccons không thể bằng 2017. Nhưng để thuận lợi cho giá cổ phiếu, ban lãnh đạo CTD đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu 2018 khoảng 28.000 tỉ đồng, còn lợi nhuận sẽ ở mức 1500 tỉ đồng. Đây là kế hoạch đã tăng so với chỉ tiêu ban đầu.
Về biên lợi nhuận có sự suy giảm so với cùng kỳ, ông Nguyễn Bá Dương giải thích, biên lợi nhuận hiện tại (7,1%) đã là dẫn đầu, so với mức 3% của trung bình ngành Với những tin đồn cổ đông lớn thao túng giá và muốn bán rút đi, đại diện Kusto cho biết, Kusto đã đầu tư vào Coteccons từ năm 2012, chưa từng bán và không có ý định bán cổ phiếu CTD. Đại diện Công ty Thành Công cũng nhấn mạnh Thành Công đầu tư dài hạn ở Coteccons và không có ý định bán ra.
Liên quan đến chảy máu chất xám, mà cụ thể là sự ra đi của 1 Phó Tổng giám đốc, ông Nguyễn Bá Dương cho biết, nhân sự có quyền nghỉ việc nên đây là vấn đề bình thường. Coteccons cũng không lo ngại vấn đề bị mất khách hàng vì Coteccons có uy tín và có khả năng đảm đương những công trình lớn. Khách hàng truyền thống luôn giao việc cho Coteccons và 70% doanh thu của Coteccons đến từ khách hàng cũ.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons cần chú ý đầu tư phát triển bền vững. Chẳng hạn, để đạt quy mô lớn, đủ năng lực đảm đương các công trình phức tạp như Landmark 81, Coteccons phải tiến hành sáp nhập. Điển hình như thương vụ sáp nhập Unicons vào Coteccons. Nhưng nhiều cổ đông bày tỏ lo ngại câu chuyện sân trước sân sau ở Coteccons, khi Coteccons có nhiều công ty con và liên kết. Một số công ty trong danh sách này đã kinh doanh tăng trưởng tốt hơn Coteccons. Để minh bạch và cũng xóa tan các lo ngại, câu chuyện sáp nhập Ricons vào Coteccons đã được đại hội bàn đến. Đa số cổ đông ủng hộ chủ trương nghiên cứu về kế hoạch sáp nhập này. Thậm chí một số ý kiến cho rằng, Coteccons nên nhờ tư vấn quốc tế định giá lại doanh nghiệp, để khẳng định giá trị Coteccons cũng như các công ty con, liên kết trước khi thông qua vấn đề sáp nhập. Nếu sáp nhập thành công, theo ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons sẽ là một trong 10 công ty lớn nhất Việt Nam, với doanh số hơn 3 tỉ USD đến năm 2020. Trước mắt, Coteccons đã là thương hiệu dẫn đầu ngành xây dựng, với doanh thu Design & Build chiếm 39% doanh thu và giá trị hợp đồng năm trước chuyển sang hơn 22.000 tỉ đồng.
Lợi thế của Coteccons là đã thiết lập hệ sinh thái, với các công ty vệ tinh chặt chẽ. Nhờ đó, dù không tập trung hoàn toàn cho 1 công trình, Coteccons vẫn có thể làm tốt dự án Landmark 81, với chất lượng và tiến độ vượt kế hoạch. Coteccons cũng là công ty có giải pháp tài chính lành mạnh, không vay nợ ngân hàng và nợ khó đòi chiếm chưa tới 1% tổng nợ. Hay CTD đã đầu tư hệ thống thông tin công trình (BIM) vào trong thiết kế và thi công. Nhờ BIM, Coteccons mới có khả năng đảm đương những công trình tầm cỡ, đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công. Năm ngoái, Coteccons còn mở Trung tâm đào tạo và Trung tâm thiết kế.
Cổ đông Coteccons cũng đã thống nhất nâng tỉ lệ cổ tức năm 2018 từ 30% tiền mặt lên 50% tiền mặt. Nguồn tiên còn lại, Coteccons dành cho những hoạt động đầu tư mở rộng. Theo kế hoạch, ngoài mảng xây lắp, thi công công trình, Coteccons đã và sẽ mở rộng hoạt động như tham gia bất động sản cơ hội.
CTD cũng sẽ có những cải cách trong hoạt động, như cải cách tổ chức điều hình. Theo đó, các phó Tổng giám đốc sẽ trở thành các giám đốc điều hành, phụ trách một mảng công việc lớn. Họ sẽ có những KPI, được hội đồng đánh giá 6 tháng 1 lần theo hình thức bỏ phiếu. Ai không vượt qua được 2 lần đánh giá sẽ phải nhường vị trí