Thứ Sáu | 27/12/2013 13:33

Đại hội cổ đông 2014, chưa họp đã nóng

Một số DN đã lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ 2014. Dự báo, mùa ĐHCĐ sắp tới sẽ có những nội dung được tranh luận "nảy lửa" tại nhiều DN.

Nhiều DN tổ chức ĐHCĐ vào tháng 1, 2, thay vì tháng 4, 5 như trước

Lên lịch sớm

Mở màn ĐHCĐ 2014 có lẽ sẽ là CTCP Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG) khi công ty này lên kế hoạch tổ chức đại hội vào ngày 8/1. Tuy nhiên, tổ chức sớm như vậy là do niên độ tài chính của HSG bắt đầu từ quý IV/2013.

Hai DN khác lên lịch họp ĐHCĐ năm 2014 trong tháng 1 tới là CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG), dự kiến họp vào ngày 17/1; CTCP May xuất khẩu Phan Thiết (PTG) dự kiến họp vào ngày 25/1.

Một số DN dù đến tháng 3, tháng 4 mới tổ chức ĐHCĐ, nhưng đã có thông báo sớm với cổ đông như CTCP Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định (DST) chốt danh sách vào ngày 10/1 để tổ chức đại hội vào ngày 8/3; CTCP Thuốc sát trùng Cần Thơ (CPC) chốt danh sách vào ngày 10/2 để tổ chức đại hội vào ngày 18/4.

Chưa có lịch họp cụ thể, nhưng một số DN như CTCP Vinaconex 2 (VC2), CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) cho biết, sẽ tổ chức ĐHCĐ trong tháng 2 hoặc tháng 3/2014.

Lãnh đạo các DN trên chia sẻ, công ty muốn tổ chức ĐHCĐ sớm nhằm giúp NĐT và cổ đông kịp thời nắm bắt được tình hình kinh doanh của công ty một cách tổng quát, cũng như định hướng phát triển trong năm 2014.

Trước đây, hầu hết DN tổ chức ĐHCĐ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, sát thời hạn cuối cùng theo luật định. Chính vì vậy, đã có tình trạng trong một ngày có 4 - 5, thậm chí 10 DN cùng tổ chức đại hội, khiến nhà đầu tư không thể tham gia đầy đủ, làm giảm tỷ lệ cổ đông có mặt và không ít DN buộc phải tổ chức đại hội lần 2, lần 3.

Do đó, việc DN tổ chức ĐHCĐ sớm luôn được cổ đông đồng tình, ủng hộ, nhất là những NĐT sở hữu cổ phần tại nhiều DN. Những DN có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn càng cần tổ chức ĐHCĐ sớm để đẩy nhanh việc phát hành.

Những vấn đề "nóng"

Diễn biến chung trong một cuộc ĐHCĐ chủ yếu là nhìn lại hoạt động năm cũ và xây dựng phương hướng, kế hoạch kinh doanh năm mới. Tuy nhiên, năm nay, dự báo sẽ có những tranh luận "nảy lửa" ở nhiều DN về những vấn đề "nổi cộm" xảy ra trong năm 2013.

Mới đây, CTCP Cơ điện Xây dựng Việt Nam (MCG) "dội gáo nước lạnh" vào cổ đông khi bất ngờ công bố từ lãi chuyển thành lỗ hơn 100 tỷ đồng do phải bù lỗ cho các công ty liên kết và không kịp hạch toán lợi nhuận từ Dự án 102 Trường Chinh, đồng nghĩa với việc Công ty sẽ không trả cổ tức năm 2013. Nhiều cổ đông đang chờ lãnh đạo Công ty giải thích cụ thể trong cuộc họp ĐHCĐ dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014.

Lãnh đạo một số ngân hàng sẽ phải giải trình các vấn đề liên quan đến nợ xấu. Lãnh đạo DN sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng sẽ phải giải trình với cổ đông liên quan đến chi phí tăng mạnh, số lượng hàng tồn kho cao, lợi nhuận đạt thấp...

Đơn cử, CTCP Xi măng Hoàng Mai (HOM) đặt mục tiêu 95 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2013, nhưng dự kiến Công ty chỉ bù được khoản lỗ 6 tháng đầu năm, mức lợi nhuận đạt được (nếu có) sẽ rất thấp. Điều này có thể khiến HOM phải cân nhắc lại kế hoạch chi trả cổ tức năm 2013.

Liên quan đến cổ tức, một số DN khác đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2013, nhưng vì không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận nên phải điều chỉnh giảm, thậm chí "khất" cổ tức. Do đó, cổ tức cũng là một trong những nội dung mà lãnh đạo nhiều DN phải giải trình với cổ đông ở kỳ ĐHCĐ sắp tới.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2014, một số DN dù chưa lên kế hoạch họp ĐHCĐ, nhưng HĐQT công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014. Những DN công bố kế hoạch kinh doanh sớm thường là DN có dự báo lạc quan về hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, năm 2014, Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí - CTCP (PVC) đặt kế hoạch lãi sau thuế 149 tỷ đồng, CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) lên kế hoạch lợi nhuận 55 tỷ đồng… Ngược lại, dự báo không ít DN lên kế hoạch kinh doanh năm 2014 chỉ là cân bằng thu chi hoặc giảm thiểu thua lỗ và đây là vấn đề mà lãnh đạo DN sẽ "khó ăn khó nói" với cổ đông.

Ngoài ra, vấn đề trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các khoản thưởng cho HĐQT và ban lãnh đạo công ty cũng sẽ "nóng", khi mà hiện nay, khá nhiều DN vẫn "cố tình" đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, lợi nhuận thấp hơn nhiều so với mức thực hiện của năm trước để phần thưởng cho lãnh đạo DN dựa trên phần vượt kế hoạch cao hơn.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện