Đại hạn của BCCI
Trong khi dòng vốn đầu tư đang có xu hướng đổ vào thị trường bất động sản để tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của thị trường này thì cũng có một số những dịch chuyển đáng chú ý khác. Mới đây, cổ đông lớn nhất của Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã thoái toàn bộ 27,9% vốn khỏi BCCI, có giá trị thị trường hơn 400 tỉ đồng. Vị chủ tịch lâu năm của BCCI, ông Nguyễn Văn Lệ, cũng xin từ nhiệm. Trước khi tham gia vào BCCI, ông Lệ từng là Giám đốc Tài chính tại Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP.HCM.
Trong lúc những sự kiện liên tiếp vẫn còn gây cảm giác hụt hẫng cho nhiều người, ngay sau đó một quỹ đầu tư nổi tiếng khác là Red River Holdings tuyên bố cũng muốn thoái toàn bộ 4,13% vốn khỏi BCCI. Ðiều gì đang xảy ra ở công ty này?
Ðầu năm nay, Đại hội cổ đông của BCCI đã diễn ra khá gay cấn khi nhiều cổ đông lớn chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến tốc độ tăng trưởng khá chậm của Công ty so với các đối thủ khác, dù BCCI sở hữu khá nhiều lợi thế. Trong đó phải kể đến việc có quỹ đất rất lớn, cũng như đã xây dựng được thương hiệu lâu năm.
BCCI được thành lập vào năm 1995 với 100% vốn nhà nước, trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh. Đến năm 1999, Công ty được cổ phần hóa và các nhà đầu tư tư nhân dần xuất hiện. Ở TP.HCM, danh tiếng của BCCI khá nổi với nhiều công trình trọng điểm, tập trung ở khu vực phía Tây Nam Thành phố.
Quy mô vốn điều lệ hiện nay của BCCI vào khoảng 722 tỉ đồng, thuộc dạng khá nhỏ so với quy mô vốn của các đối thủ trên thị trường. Chính vì vậy, tại Đại hội cổ đông đầu năm nay, Chủ tịch Nguyễn Văn Lệ đã đề xuất phương án tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng, chủ yếu bằng phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Xét về quỹ đất, hiện BCCI đang sở hữu quy mô quỹ đất lên đến hằng trăm hecta. Ðáng kể nhất là Khu dân cư Tân Tạo với diện tích 320 ha, Khu Công nghiệp Phong Phú với diện tích 148 ha, cùng nhiều công trình nhà ở và văn phòng cho thuê. Với tiềm năng lớn như thế, không lạ gì khi các quỹ đầu tư lớn như Dragon Capital, VinaCapital hay Red River Holdings xem BCCI là con gà đẻ trứng vàng với doanh thu tiềm năng mang lại có thể lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.
Nhưng đáng tiếc, tốc độ triển khai dự án và bán hàng của BCCI khá chậm. Các dự án như Tân Tạo còn đang vướng phải thủ tục đền bù. Một số dự án căn hộ quan trọng như Nhất Lan 5, An Lạc Plaza vẫn đang chờ hoàn thành thủ tục để khởi công, dù đã lên kế hoạch khá lâu. Việc chậm trễ trong triển khai đã phần nào khiến giá trị hàng tồn kho của BCCI cuối năm ngoái lên tới 2.120 tỉ đồng, chiếm đến 65% tổng tài sản Công ty.
Doanh thu trong 4 năm gần đây của BCCI đều kém hơn hẳn so với thời gian trước năm 2010. Điều này đã mang đến nỗi thất vọng lớn cho các cổ đông, bất chấp sự đi xuống chung của thị trường bất động sản được lý giải là nguyên nhân chính cho kết quả này.
Trong bối cảnh khá nhiều doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh sáng sủa sau nửa đầu năm nay, BCCI dường như vẫn đang đứng ngoài lề. Doanh thu thuần quý I/2015 của BCCI chỉ đạt 22 tỉ đồng, giảm mạnh đến 69% so với cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận ròng chỉ hơn 9 tỉ đồng.
Doanh thu BCCI sa sút mạnh trong 4 năm gần đây |
“Triển vọng năm 2015 của BCCI chưa có nhiều yếu tố đột biến. Các dự án đất nền đang trong thời gian trì hoãn và chưa có động thái mạnh mẽ nào triển khai”, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Maritime Bank đánh giá. Thế nên, cũng thật dễ hiểu cho cảm giác buồn của những người sở hữu cổ phiếu BCCI, khi họ nhìn thấy sự sôi động của các công ty bất động sản khác thông qua đà phục hồi khả quan của thị trường.
Bên cạnh kết quả kinh doanh chưa khả quan, BCCI còn vướng vào những vụ vi phạm pháp lý. Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo về BCCI, trong đó nêu rõ nhiều sai phạm của Công ty trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và theo quy hoạch được duyệt tại 21/24 dự án. BCCI còn tự ý cho thuê đất công trình công cộng của dự án để xây dựng quán ăn, nhà hàng, sân tennis, quán cà phê, bãi giữ xe, làm thay đổi chức năng mục đích sử dụng đất.
Mới nhất, đầu tháng 7.2015, Thanh tra TP.HCM đã công bố quyết định thanh tra toàn diện tại dự án chung cư Tân Tạo 1 của Công ty. Rõ ràng, uy tín của BCCI đang lung lay hơn bao giờ hết.
Hiện danh tính của bên nhận được chuyển nhượng trong thương vụ thoái vốn của HFIC vẫn chưa được tiết lộ, dù NCĐT đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo của BCCI cùng HFIC để tìm hiểu. Nhưng có thể thấy, sau khi ông Lệ ra đi, thế hệ lãnh đạo mới của BCCI sẽ đảm nhận trọng trách lớn trong việc khai phá tiềm năng của Công ty, cũng như xây dựng chiến lược phát triển mới. Được biết, bên cạnh lĩnh vực bất động sản, để gia tăng doanh thu, BCCI đang có ý định tham gia vào các công trình BOT lĩnh vực giao thông và hợp tác với các đối tác nước ngoài trong kinh doanh mặt bằng siêu thị.
Sau khi HIFC và Red River Holdings thoái vốn hoàn toàn, danh tính các cổ đông lớn còn lại của BCCI gồm có Ngân hàng TMCP Phương Nam với tỉ lệ sở hữu 12,93%, Quỹ Wareham Group Limited (5,15%), Vietnam Enterprise Investments Limited (4,88%). Ông Trầm Bê, nhân vật được nhắc đến nhiều sau vụ thâu tóm Sacombank, cũng đang nắm giữ 3,06% cổ phần tại BCCI.
Nguyễn Sơn