Đại gia Việt chia lại thị trường - Kỳ 3: Kiểm soát thị trường gia vị
Ngày 27.10, Tập đoàn đầu tư Wilmar từ Singapore tuyên bố đầu tư 13 triệu USD vào VN, lập liên doanh Công ty TNHH thực phẩm quốc tế Nam Dương để sản xuất các sản phẩm nước chấm, gia vị phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Như vậy, sau dự án đầu tư dầu ăn lớn nhất tại VN là Công ty dầu thực vật Cái Lân, Wilmar tiếp tục lấn sân sang thị trường nước chấm, gia vị Việt. Đây cũng là thị trường được đánh giá màu mỡ, có giá trị hàng trăm triệu USD.
Số liệu từ một báo cáo khoa học về tổng quan ngành gia vị thực phẩm ở VN và thế giới thuộc Viện Sinh học nhiệt đới cho thấy, trung bình mỗi năm, người Việt tiêu thụ khoảng 450.000 tấn gia vị nói chung.
Mất thị phần hạt nêm
Riêng sản phẩm bột nêm, nghiên cứu khảo sát năm 2013 của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho thấy mỗi năm VN tiêu thụ khoảng 1.500 tấn.
Xuất hiện trên thị trường hơn chục năm nay, hạt nêm đã trở thành gia vị thay thế bột ngọt tại nhiều nhà bếp của gia đình người Việt. “Oanh tạc” trên thị trường hạt nêm có thể kể đến 3 nhãn hàng như Knorr (Unilever), Maggi (Nestlé), Aji-Ngon (Ajinomoto) và sau này là Miwon. Điều đáng nói là món gia vị làm thay đổi thói quen nêm nếm của người tiêu dùng Việt lại đến từ các nhà đầu tư Mỹ, Nhật... Nhà đầu tư nội gần như không thể chen chân.
Thực tế, thị trường hạt nêm cũng từng có những nhà đầu tư nội tham gia, nhưng đã nhanh chóng bỏ cuộc chơi. Nhanh nhạy nhất có thể kể đến Masan. Khi Unilever tung sản phẩm hạt nêm Knorr, Masan cũng có hạt nêm Chinsu. Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau đó, với thị phần chỉ luôn chiếm chưa đến 5%, Masan quyết định rút khỏi thị trường hạt nêm.
Các doanh nghiệp (DN) làm hàng gia vị khác như: Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty CP thực phẩm Việt Hương, Công ty CP thực phẩm quốc tế, Visan, Miliket... cũng đều tung sản phẩm hạt nêm. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, một số sản phẩm đã sản xuất hoặc chỉ mới tung thử nghiệm, đều lẳng lặng rút khỏi thị trường.
Một lãnh đạo công ty rút khỏi thị trường sau khi mất gần 3 tỉ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất bột nêm nấm dùng cho ăn chay thừa nhận: “Đó là gia vị của nước ngoài mang vào, hơn ai hết, họ đã nghiên cứu và hiểu mọi ngóc ngách của thị trường, hiểu rõ và đánh vào tâm lý người tiêu dùng Việt bằng quảng cáo “bom tấn”. DN Việt rất khó để chen chân. Rút khỏi cuộc chơi hạt nêm, theo tôi vẫn là quyết định sáng suốt, nếu không để đến bây giờ, không biết lỗ bao nhiêu tỉ nữa”.
Còn đại diện Công ty thực phẩm Việt Hương cho rằng, khó nhất của DN nhỏ khi tham gia thị trường này là thương hiệu. Không có thương hiệu, không có kinh phí để quảng bá rầm rộ, sản phẩm sẽ nhanh chóng bị “chìm” sau thời gian ngắn được tung ra thị trường.
Làm chủ thị trường gia vị
Mất thị phần hạt nêm nhưng tổng quan thị trường gia vị, DN nội vẫn đang thống lĩnh. Masan vẫn tiếp tục trung thành với thị trường nước chấm gia vị và đang từng bước âm thầm mở rộng thị phần.
Một khảo sát về thị trường gia vị, nước chấm của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International năm 2014 cho thấy, nhóm các DN đầu tư nước ngoài như Ajinomoto Vietnam, Miwon Vietnam, Vina Acecook chiếm khoảng 28% thị phần. Trên 70% còn lại là thuộc về các công ty trong nước, cao nhất là Masan Consumer chiếm đến 43% thị phần cả nước, theo sau đó là Cholimex Food chiếm khoảng 30% và một số thương hiệu gia vị Việt khác. Tham vọng của Masan đưa ra là sẽ chiếm trên 50% thị phần cho ngành hàng này.
Với phân khúc gia vị truyền thống, gần đây nhất là Công ty Gold Food tung hàng loạt sản phẩm. Ông Nguyễn Huỳnh Đạt, Giám đốc Gold Food, cho rằng: “Trong khi các tập đoàn lớn mạnh làm những sản phẩm gia vị công nghiệp và chiếm lĩnh thị trường lớn, chúng tôi là DN nội địa nhỏ, công ty chọn thị trường ngách đáp ứng và chắc chắn sẽ thành công”. Ngoài tân binh Gold Food, hiện có rất nhiều DN nhỏ trong nước đang âm thầm chia nhau thị phần ở phân khúc gia vị truyền thống như: Việt Hương, Xuân Lộc, Anh Hai... Những DN này vẫn bền bỉ kiên trì tung ra nhiều sản phẩm tương đương các sản phẩm của DN ngoại hoặc có những giá trị gia truyền gần gũi với hương vị Việt và được thị trường yêu chuộng.
Theo chuyên gia tư vấn đầu tư Nguyễn Nam Sơn, sẽ khó có những làn sóng mua bán sáp nhập mạnh mẽ trở lại để thâu tóm một số thị trường của nhà đầu tư ngoại như những năm 2008 - 2013. Tuy nhiên, nếu sơ sẩy, sẽ dễ bị chia sẻ thị phần bởi nhiều nhà đầu tư ngoại đang tìm cơ hội tại thị trường này. “Nên đã nắm giữ được thị phần rồi, phải có chiến lược giữ và mở rộng là điều tất yếu. Tôi tin các đại gia tham gia ngành hàng tiêu dùng sẽ định hướng được cuộc chơi này”.
Nguồn Thanh Niên