Đại gia nội đứng sau liên doanh hàng không giá rẻ với AirAsia
Thông tin Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, thuộc Tập đoàn Thiên Minh và Gumin - một doanh nghiệp vừa thành lập với vốn điều lệ 200 triệu đồng cũng của ông chủ tập đoàn này - sẽ bắt tay với AirAsia (Malaysia) lập hãng hàng không giá rẻ mới tại Việt Nam đang gây chú ý trên thị trường. Theo thoả thuận được ký, liên doanh của AirAsia tại Việt Nam sẽ có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng (44 triệu USD), dự kiến hoạt động vào năm 2018. Tại liên doanh này, phía Việt Nam sở hữu 70%, trong khi AirAsia nắm 30% còn lại.
Sự xuất hiện của cái tên Thiên Minh Group (TMG) trong liên doanh này thực sự khiến giới đầu tư tò mò, bởi trước đó, danh tiếng tập đoàn này được biết tới chủ yếu trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn… và gần đây là dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ.
Thành lập cách đây 23 năm, TMG tiền thân là một công ty lữ hành nhỏ với vốn điều lệ khi đó chưa tới 100 triệu đồng. 10 năm hoạt động đầu tiên, mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp này chủ yếu là điều hành các tour du lịch với thương hiệu Buffalo Tours.
Năm 2004, với quyết định đa dạng hoá sản phẩm kinh doanh, TMG bắt đầu lấn sân sang mảng khách sạn khi mua lại cổ phần Khách sạn Festival Huế. Đây cũng là điểm mốc đánh dấu sự phát triển đa dạng loại hình hoạt động của TMG. Một năm sau đó, tập đoàn hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd – một công ty điều hành tour du lịch hàng đầu của Australia, thành lập Công ty TNHH Du Lịch Intrepid Indochina (nay là Intrepid Vietnam), nhằm mở rộng các hoạt động du lịch tại khu vực Đông Nam Á, cũng như tại các thị trường du lịch khác ở châu Á.
Theo công bố thông tin của TMG, hiện tập đoàn này đang cung cấp chuỗi dịch vụ với 3 mảng chính là du lịch, lữ hành và đặt phòng trực tuyến qua mạng. Sự kết hợp 3 mảng kinh doanh này đem lại doanh thu và mức tăng trưởng 25-30% mỗi năm cho TMG.
Ngoài thành công ở các lĩnh vực kinh doanh chính, khoảng 10 năm trở lại đây, cái tên TMG được nhắc tới nhiều hơn khi tham gia vào các thương vụ mua bán sáp nhập lớn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn. Điển hình là thương vụ mua lại chuỗi khách sạn Victoria của nhà đầu tư Hong Kong (Trung Quốc) với giá 45 triệu USD để sở hữu các khách sạn hạng sang tại nhiều thành phố du lịch nổi tiếng như Sapa, Hội An, Phan Thiết…
Năm 2011, TMG bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực mới – hàng không, khi cùng một đơn vị khác trong ngành lữ hành thành lập Công ty cổ phần hàng không Hải Âu, cung cấp dịch vụ du lịch bằng thuỷ phi cơ, bay dịch vụ (Air taxi)… Hiện TMG là cổ đông đa số của Hải Âu khi thương vụ mua lại 89% cổ phần công ty này (trị giá 54 tỷ đồng) được hoàn tất năm 2013.
Ngay sau đó Hải Âu và ông chủ của mình sau đó đã gây chú ý khi tuyên bố rót 3,2 triệu USD để mua thêm 2 chiếc thuỷ phi cơ hiện đại, nâng tổng số máy bay sở hữu lên 3 chiếc, nhằm khai phá mảng du lịch biển bằng hàng không. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động và khai thác dịch vụ thuỷ phi cơ, Hải Âu vẫn lỗ. Một báo cáo hồi đầu năm 2016 cho biết, hãng này đang rơi vào tình trạng dư thừa công suất do một năm chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay cho 3 tàu thuỷ phi cơ đang có.
Dù chưa thực sự thành công ở mảng kinh doanh du lịch bằng thuỷ phi cơ, nhưng người đứng phía sau những thương vụ mua bán, sáp nhập nhiều triệu đôla trong lĩnh vực du lịch lữ hành và gây dựng tiếng tăm cho TMG là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc – ông Trần Trọng Kiên.
Ngoài vai trò chủ chốt tại TMG, ông Trần Trọng Kiên hiện còn là Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB). Ảnh: ACB |
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, rồi Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Đại học Hawaii – Mỹ) nhưng đam mê của ông chủ TMG lại là du lịch. Chọn thị trường ngách là du lịch mạo hiểm để khởi nghiệp, từ vài nghìn USD vốn ban đầu, ông Kiên và các cộng sự đã gây dựng được một doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch, khách sạn.
Năm 2012, ông Kiên bất ngờ lấn sân sang lĩnh vực tài chính khi trở thành thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ đó đến nay.
Từng chia sẻ về triết lý kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực lữ hành, ông Kiên cho rằng không phải nguồn lực tài chính mạnh sẽ giúp doanh nghiệp thành công, mà yếu tố chính lại là con người. “Trong một môi trường cạnh tranh với các sản phẩm gần như giống nhau hoàn toàn từ điểm đến, khách sạn, nhà hàng... thì đội ngũ nhân sự sẽ là mấu chốt tạo nên thành công cho doanh nghiệp”, ông chia sẻ.
Nguồn VnExpress