Đại gia nhảy vào thị trường sữa đậu nành
Thị trường sữa đậu nành bắt đầu bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt khi doanh nghiệp (DN) chú ý đầu tư vùng nguyên liệu, bởi khi chủ động được nguồn nguyên liệu có thể sẽ giành được ưu thế về thị trường.
Ba bên cùng bắt tay nhau
Ngày 29-9 đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu đậu nành chất lượng cao giữa đại gia Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), NutiFood và Viện Khoa học kỹ thuật (KHKT) Nông nghiệp miền Nam.
Trong dự án liên kết này, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam nghiên cứu giống và trồng thực nghiệm để cho ra những loại đậu nành năng suất cao, chất lượng tốt. HAGL dành khoảng 1.000 ha đất để trồng đậu nành và trong năm năm tới diện tích trồng đậu nành lên tới 3.000 ha. Còn NutiFood bao tiêu toàn bộ sản lượng đậu nành, dự kiến năm đầu tiên khoảng 2.500 tấn cho ra khoảng 3,5 triệu lít sữa đậu nành và khoảng 20.000 tấn trong những năm tiếp theo để sản xuất khoảng 185 triệu lít sữa đậu nành/năm.
Một số ý kiến cho rằng việc liên kết giữa ba nhà khoa học, nhà nông, DN thành chuỗi khép kín sẽ giúp các bên tận dụng thế mạnh của nhau để có đầu ra ổn định, ra đời sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý.
Nói về sự hợp tác này, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, chia sẻ: “Nguyên liệu tốt mới cho ra đời những sản phẩm chất lượng, thơm ngon. Nhưng với khả năng của mình, chúng tôi thấy khó có thể tự mình sản xuất được nguồn nguyên liệu tốt nên chiến lược mà chúng tôi lựa chọn là phải liên kết. Mình không có kinh nghiệm thì phải liên kết với những đơn vị có kinh nghiệm. Chính vì thế, khi muốn phát triển thêm dòng sản phẩm sữa tươi, thay vì tự mình đứng ra làm quy trình khép kín thì chúng tôi chọn hướng liên kết với HAGL…”.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cho biết lần đầu tiên mạnh dạn làm sản phẩm đậu nành hữu cơ trên quy mô lớn. “Trong ba tháng nữa, lần đầu tiên sữa đậu nành sạch sẽ có mặt ở thị trường. Có nguồn phân bò hữu cơ lớn, chúng tôi sẵn sàng sản xuất theo quy trình hữu cơ nên chắc chắn sản xuất ra đậu nành hữu cơ và cho ra sản phẩm không đụng hàng” - ông Đức nói.
TS Trần Thanh Hùng, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, cho biết: “Nhà nước đang khuyến khích mô hình liên kết hợp tác như thế này vì sẽ tận dụng được thế mạnh của các bên. Muốn làm nông nghiệp thành công phải có các yếu tố “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Trong dự án hợp tác này đều có đủ cả. Chẳng hạn, nước thì trang trại của HAGL nằm ở gần các con sông, lại áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, vừa tiết kiệm nước vừa hiệu quả; giống thì chúng tôi tự tin là mình có thể nghiên cứu ra được những giống đậu nành vừa chất lượng vừa cho năng suất cao. Cái quan trọng không kém trong nông nghiệp là đầu ra thì đã có NutiFood bao tiêu sản phẩm rồi”.
Tiềm năng thị trường sữa đậu nành lớn
Đại diện công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết lợi thế của ngành hàng sữa đậu nành là vừa có lợi cho sức khỏe nhưng giá thành lại thấp. Số liệu từ một số nghiên cứu cũng cho thấy tại thành thị sữa đậu nành tăng trưởng gần 18% chủ yếu nhờ vào việc thu hút được rất nhiều người mua mới. Ở nông thôn tăng trưởng hơn 55%.
“Tiềm năng của thị trường sữa đậu nành lớn và là xu hướng chung trên thế giới bởi đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Hiện nay sữa đậu nành tự làm tại nhà chiếm tỉ trọng lớn khoảng 50% so với sản phẩm đóng hộp” - ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, cho biết.
Song để đáp ứng được nhu cầu thị trường cần phải có sự liên kết giữa các bên giúp phát triển bền vững. TS Trần Thanh Hùng nhìn nhận: “Sự hợp tác giữa ba đơn vị HAGL, NutiFood và viện để xây dựng vùng nguyên liệu đậu nành chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp chế biến đánh dấu bước khởi đầu quan trọng về hợp tác giữa DN và các nhà khoa học”.
Nguồn Pháp luật TP.HCM