Đại diện IMF: Việt Nam cần gấp rút giải quyết nợ xấu
Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, có trao đổi với các phương tiện truyền thông đại chúng về vấn đề này.
Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam nên làm gì để giải quyết nợ xấu?
Có thể thấy những năm gần đây, ngành ngân hàng Việt Nam mở rộng khá nhanh về quy mô và tín dụng tăng trưởng nóng. Rất nhiều vấn đề đã phát sinh trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng và có nhiều vấn đề khác nảy sinh trong nhóm doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác đáng lo trong lĩnh vực ngân hàng như chất lượng quản trị, khả năng quản trị rủi ro, trình độ giám sát yếu.
Để giải quyết được nợ xấu, cần phải làm ba việc: Thứ nhất, cần phải biết nợ xấu của ngân hàng thực chất là bao nhiêu. Thứ hai, các ngân hàng cũng cần phải có biện pháp dự phòng cần thiết. Thứ ba, cần thành lập một công ty quản lý tài sản theo cách minh bạch thông tin nhất, chuyên trách giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện đang được nói đến khá nhiều. Theo quan điểm của ông, Việt Nam nên tiến hành việc này như thế nào?
Nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu có phải Việt Nam đang có quá nhiều ngân hàng trong hệ thống. Những thách thức mà các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần phải giải quyết khác nhau và chính ngay trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, vấn đề mà nhóm ngân hàng cổ phần lớn gặp phải cũng khác với nhóm ngân hàng nhỏ. Vì vậy, nếu muốn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cần đến nhiều biện pháp khác nhau áp dụng với từng nhóm đối tượng.
Khi muốn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, người ta cần phải nhớ rằng, họ cũng nên tái cấu trúc nhóm đối tượng vay tiền của các ngân hàng.
Trong trường hợp Việt Nam, trong tổng số nợ xấu thì tỷ lệ lớn đến từ các khoản vay của nhóm doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, một điều chắc chắn đó là khi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, cần phải tái cấu trúc cả nhóm doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam cần gói giải pháp tổng thể bao gồm: Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, giám sát các ngân hàng chặt chẽ hơn.
Chúng tôi có các cuộc đối thoại thường niên với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi phân tích vấn đề thực chất đang nằm ở đâu và nên đưa ra giải pháp như thế nào. Thế nhưng quan trọng hơn chúng tôi đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới để tiến hành chương trình đánh giá hệ thống tài chính.
IMF cũng đã thực hiện chương trình tương tự tại nhiều nước thành viên để hiểu được bản chất các vấn đề của hệ thống tài chính. Chúng tôi sẽ tìm hiểu về thực trạng liệu hoạt động quản trị các ngân hàng có đạt chuẩn quốc tế, hoạt động quản trị rủi ro… khoảng sau 6 tháng nữa chúng tôi sẽ công bố báo cáo cụ thể.
Chúng tôi cũng nhận thấy chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cụ thể đã có một số ngân hàng sáp nhập và NHNN vẫn phát đi tín hiệu cho thấy sẽ còn tiếp tục động thái trên trong tương lai.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn VTV