Thứ Sáu | 31/08/2012 16:21

Đại diện IMF tại Việt Nam: Uy tín của NHNN trên thị trường đã tăng lên

Theo đại diện IMF, NHNN đã theo rất sát các diễn biến kinh tế vĩ mô và trên cơ sở đó đã đưa ra các biện pháp chính sách phù hợp.
Trong bài phỏng vấn đăng trên website Ngân hàng Nhà nước hôm nay, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, xem xét kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong 7 tháng đầu năm có thể thấy NHNN đã theo rất sát các diễn biến kinh tế vĩ mô và trên cơ sở đó đã đưa ra các biện pháp chính sách phù hợp, mang lại kết quả ổn định kinh tế vĩ mô như kỳ vọng của IMF.

Trong 7 tháng đầu năm, tỷ giá rất ổn định, lạm phát giảm rất mạnh từ mức trên 20% vào tháng 8/2011 xuống dưới 5,5% vào tháng 7/2012; đồng thời, dự trữ ngoại hối đã tăng nhiều trong 7 tháng vừa qua.

Ông Sanjay Kalra nói: "Đó là những kết quả rất tốt mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 11. Rõ ràng NHNN là đã đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được những thành tựu này. Người dân hiện nay đã tin tưởng hơn vào VNĐ. Uy tín của NHNN đối với thị trường đã tăng lên".

Mặc dù vẫn giữ quan điểm rằng Việt Nam nên điều chỉnh lãi suất chính sách giảm chậm hơn nhưng ông Sanjay Kalra cho biết IMF cảm thấy hài lòng với những gì Việt Nam đã đạt được.

Về mục tiêu mà NHNN đã đặt trong năm 2012 là giữ lạm phát ở mức 1 con số, duy trì ổn định tỷ giá, cố gắng đảm bảo đồng tiền không mất giá quá 3%, IMF cho rằng những mục tiêu này là phù hợp.

"Tuy nhiên, trong thời gian tới, điều quan trọng là phải đảm bảo duy trì được sự ổn định đã đạt được trong 7 tháng vừa qua. Tình hình sẽ rất khó khăn nếu lạm phát cao quay trở lại", ông nói.

Do đó, IMF cho rằng bên cạnh việc duy trì các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thì Chính phủ cần phải triển khai các cải cách kinh tế cần thiết khác trong khu vực ngân hàng, khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, bởi vấn đề hiện nay không phải là chính sách kinh tế vĩ mô mà là các vấn đề mang tính cơ cấu.

Nguồn SBV


Sự kiện