Đại diện IMF: Đề án tái cơ cấu phải buộc các cổ đông hiện hữu chấp nhận lỗ
Mức dự trữ ngoại hối đã tăng, nhưng vẫn thấp hơn mức có thể tạm coi là ổn hoặc đủ để có thể đương đầu với những cú sốc lớn từ bên ngoài (Theo ước tính của ngân hàng Thế giới, dự trữ ngoại tệ năm 2012 của Việt Nam khoảng 2,3 tháng nhập khẩu, thấp nhất trong 10 nền kinh tế Đông Á). Do đó, cần tiếp tục tăng mức dự trữ ngoại hối thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô chặt chẽ một cách phù hợp, ông Karla cho hay.
Các chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục thắt chặt là hết sức quan trọng để neo giữ kỳ vọng lạm phát và cải thiện lòng tin vào tiền đồng. Để đạt được điều này, chính sách tài khóa có thể được nới lỏng chút ít, trong khi chính sách tiền tệ vẫn cần tiếp tục tập trung vào việc kiềm chế lạm phát. Đồng thời, mức dự trữ ngoại hối quốc tế khá thấp như hiện nay, tỷ giá hối đoái cũng có thể được sử dụng trong quá trình điều chỉnh, vị này nhận định.
Bên cạnh đó, đại diện của IMF cho rằng, những yếu kém và thiếu minh bạch trong ngành ngân hàng đã có ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và tiếp tục cản trở tăng trưởng.
Hệ thống ngân hàng giờ đây đang được mô tả có chất lượng tài sản kém, dự phòng không đủ và độ an toàn vốn không cao. Thị trường có những đánh giá khác nhau và không chắc chắn về nợ xấu thực sự. Mặc dù các NHTM báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức khoảng 4%, nhưng ước tính của NHNN lại ở mức 8%, ông cho biết.
Ngoài ra, theo vị này, nợ xấu đang tập trung ở các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhất là những doanh nghiệp có dính líu đến lĩnh vực bất động sản. Với triển vọng tăng trưởng yếu ớt và sự cần thiết của cải cách và củng cố ngành ngân hàng đến năm 2015, mức nợ xấu có thể tiếp tục tăng thêm nữa.
Đại diện của IMF đánh giá, mặc dù đã có những đề xuất cải cách như việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém cuối năm 2011 và đầu năm 2012, những nội dung thảo luận gần đây về việc thành lập công ty quản lý tài sản để xử lý nợ và những nỗ lực tăng cường quản trị rủi ro tại các ngân hàng, nhưng vẫn cần có một chiến lược cải cách toàn diện cho ngành này. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các kế hoạch hiện có cũng còn chậm.
Một đề án tái cơ cấu mang tính thực tế dựa trên các cuộc thanh tra tại chỗ một cách thấu đáo là rất cần thiết để làm bộc lộ mức độ thiệt hại và yêu cầu tái cấp vốn cho các ngân hàng. Đề án này cần phân biệt giữa các ngân hàng không có khả năng thanh toán và các ngân hàng không có khả năng thanh khoản, buộc các cổ đông hiện hữu chấp nhận lỗ trước khi bơm thêm vốn và buộc phải giải quyết khoản nợ xấu. Việc trì hoãn hơn nữa các cải cách ngân hàng sẽ có thể làm tăng các khoản nợ dự phòng cho Chính phủ và đặt ra rủi ro cho tính bền vững của nợ công, ông Karla phát biểu.
Nguồn Khampha