Đại diện IMF: Cần đưa ra ngưỡng giới hạn doanh thu miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ
Đồng thời, đại diện IMF cũng khuyến nghị về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, cần điều chỉnh hợp lý danh sách nhóm hàng được miễn thuế; bỏ mức thuế suất 5% và phân loại nhóm hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn cũng như được miễn thuế hoặc theo mức thuế tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, bỏ ngưỡng giới hạn hoàn thuế đối với các nhà xuất khẩu; tập trung hóa việc nộp thuế GTGT.
Trong khi đó, ông Tom McCleliand - Chủ tịch Ủy ban thuế, Phòng Thương mại và công nghiệp Châu Âu (Eurocham) khẳng định, thay đổi tích cực lớn nhất của luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) Việt Nam 2009 là giảm thuế suất từ 28% xuống 25%. Điều này giúp cho Việt Nam cạnh tranh hơn nhưng thực tế các nước khác trong khu vực cũng đã giảm thuế suất thuế TNDN xuống thấp hơn.
Ông Tom McCleliand ủng hộ việc Việt Nam tiếp tục giảm thuế suất thuế TNDN và áp dụng trong thời gian sớm nhất vì thuế suất thuế TNDN thường được nhìn nhận là chỉ số quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng chia sẻ, bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục có những biến đổi khó lường, khó dự đoán và đang đặt ra một số khó khăn nhất định cho quá trình cải cách chính sách thuế của Việt Nam. Cùng với đó, trong thực tế việc cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT các nước gần đây cho thấy vấn đề đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách được nhiều nước đặc biệt chú ý, nhất là trong bối cảnh có sự gia tăng về dư nợ công của nhiều nước.
Về chiến lược cải cách thuế Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, chiến lược tập trung xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư...
Chia sẻ về xu hướng trên thế giới, Chuyên gia thuế quốc tế Ved P.Gandhi cho biết trong những năm gần đây, các nước trên thế giới đều giảm thuế suất nhằm khuyến khích đầu tư, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm cạnh tranh thuế trong điều kiện toàn cầu hóa. Cụ thể, thuế suất bình quân của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giảm từ 33% năm 2000 xuống còn 25% năm 2011 (riêng lĩnh vực phi tài chính, thuế suất chỉ 21%); tại các nước châu Âu, thuế suất bình quân giảm từ 40% còn 23% trong giai đoạn 1995-2012. Gần đây, nhiều nước ASEAN đã giảm thuế suất thuế TNDN và có kế hoạch giảm hơn nữa, cụ thể, mức thuế đang áp dụng tại Singapore là 17%, Malaysia là 25%, Đài Loan là 23%,…Bên cạnh việc giảm thuế suất, các nước đều đang cố gắng duy trì ưu đãi thuế để khuyến khích kinh doanh và đầu tư; giảm “đánh thuế trùng” đối với cổ tức; hợp lý hóa và bãi bỏ “hỗ trợ thuế” không còn tác dụng; hạn chế đánh thuế các nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường kiểm soát trốn thuế của doanh nghiệp. |
Nguồn Bộ Tài chính