Chủ Nhật | 17/02/2013 14:33

Đại diện Dragon Capital: Thị trường chứng khoán đã qua giai đoạn xuống dốc

Theo TS. Lê Anh Tuấn, thị trường tăng mạnh thời gian qua là do sự trở lại của khối ngoại và sự kỳ vọng về khả năng phục hồi trong tương lai.
Trong bài phỏng vấn đăng trên Vietstock mới đây, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, đã có một số nhận định về thị trường chứng khoán 2013.

Khởi đầu năm 2013 thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm. Theo quan điểm của ông có sự khác biệt nào giữa năm 2012 và năm 2013? Và liệu thị trường có lại phải trải qua diễn biến giống như năm 2012 - tốt vào đầu năm và thận trọng hơn vào cuối năm?

Năm 2012 là một năm khá sóng gió khi những khó khăn thực sự của nền kinh tế được bộc lộ. Sự đóng băng của thị trường bất động sản cùng với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã xảy ra ngoài những dự đoán của thị trường lúc đầu năm.

Chính vì thế, rất nhiều doanh nghiệp và cả hệ thống ngân hàng dường như chưa chuẩn bị cho những biến cố xảy ra. Giá bất động sản đã giảm từ 35 đến 50% ở nhiều dự án, nợ xấu tăng cao chưa từng có và thanh khoản của hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay do lãi suất quá cao, đồng thời lượng hàng tồn kho tăng mạnh do sức mua suy giảm. Nền kinh tế bị trì trệ và niềm tin giảm sút.

Tuy nhiên, khởi đầu của năm 2013 có những nền tảng khá tốt. Tỷ giá ổn định và cán cân thương mại thặng dư giúp niềm tin vào đồng nội tệ tăng lên. Bên cạnh đó, dù quá trình tái cơ cấu ngân hàng vẫn diễn ra khá chậm nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Lạm phát giữ ở mức thấp và lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Theo đó, dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2012 đã được cải thiện đáng kể. Chính những điều này là cơ sở cho sự quay trở lại của khối ngoại và chúng ta đã thấy thị trường có những bước hồi phục ngoạn mục kể từ tháng 12 đến nay.
Ông đánh giá như thế nào về những thay đổi chính sách gần đây tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2013?

Chính phủ đã có những thay đổi và quyết định quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc của nền kinh tế.

Thứ nhất là vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Trước đây, doanh nghiệp nhà nước được coi là trung tâm của nền kinh tế nhưng cũng chính đối tượng này là chủ thể của việc thiếu hiệu quả và rất nhiều sai phạm, ví dụ như trường hợp của Vinashin hay gần đây là tình trạng thua lỗ của Vinalines. Chính vì thế dự thảo xóa bỏ vị trí trung tâm của doanh nghiệp nhà nước để tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho mọi thành phần doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân phát triển, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Thứ hai, việc thành lập hai ủy ban độc lập gồm Ủy ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kinh tế Trung ương đã cho thấy những cam kết trong cải tổ Chính phủ và quyết tâm minh bạch hóa thông tin, chống lại tham nhũng và lãng phí. Điều này đã góp phần gầy dựng lòng tin cho thị trường.

Thứ ba, các đề xuất gần đây về tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được thị trường đón nhận khá tích cực, mặc dù quy định chi tiết cụ thể vẫn chưa rõ ràng nhưng điều này cho thấy các nhà quản lý đã có những chuyển động tích cực nhằm thu hút sự quan tâm của khối ngoại.

Bên cạnh đó, những ý tưởng giải pháp về việc thành lập công ty mua bán nợ (AMC) nhằm từng bước giải quyết vấn đề nợ xấu của ngân hàng là một bước quan trọng để tháo gỡ mối lo lớn nhất của hệ thống ngân hàng. Nếu đề án về AMC được thông qua, những rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng sẽ được giảm bớt, góp phần quan trọng trong việc khơi thông dòng chảy nguồn vốn cho nền kinh tế.

Thị trường đã có bước khởi đầu khá tốt cho năm 2013 với mức tăng 17% trong tháng 1. Liệu nền kinh tế và thị trường chứng khoán đã thực sự vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn hồi phục ổn định hơn?

Thị trường chứng khoán là một trong những thước đo phản ánh khá tốt hiện trạng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường chứng khoán sẽ thường đi trước những thay đổi thực sự của nền kinh tế do thị trường phản ánh các kỳ vọng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nền kinh tế trong tương lai.

Việc tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua có thể lý giải bởi một số nguyên nhân như: sự trở lại của khối ngoại trước những chuyển động chính sách, sự hồi phục kỹ thuật khi thị trường đã giảm trong thời gian dài và sự kỳ vọng về khả năng phục hồi trong tương lai khi lợi nhuận và rủi ro đã được đánh giá chính xác hơn.

Có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách khá tốt trong năm qua giúp ổn định thị trường tiền tệ và thị trường vàng, gia tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Chính việc ổn định lòng tin của dân cư và cán cân thương mại thặng dư đã giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng mạnh.

Theo ước tính của chúng tôi, dự trữ ngoại hối có khả năng tăng trên 27 tỷ USD vào cuối năm 2012 - mức cao nhất từ trước đến nay và nhiều khả năng cuối năm nay dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trên 35 tỷ USD. Đây là một yếu tố rất quan trọng góp phần giải tỏa các rủi ro cho hệ thống, ổn định chính sách và tạo tiền đề cho các giải pháp chính sách khác.

Tuy nhiên, để thị trường phục hồi ổn định và bền vững, vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng các thay đổi chính sách vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, sức khỏe của khu vực doanh nghiệp đã yếu đi nhiều trong thời gian qua và cần rất nhiều thời gian để phục hồi trước khi lấy lại tốc độ tăng trưởng trước kia. Đà tăng của thị trường cần phải song hành với tăng trưởng trong lợi nhuận doanh nghiệp - yếu tố quan trọng nhất để duy trì đà tăng bền vững của thị trường.

Tôi cho rằng rất có thể thị trường đã trải qua giai đoạn “xuống dốc” nhưng sự hồi phục sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn và sẽ có thêm sự phân hóa giữa các doanh nghiệp tốt, có khả năng nắm bắt cơ hội hồi phục sau khủng hoảng để phát triển tốt hơn và nhóm các doanh nghiệp có sức khỏe yếu, khả năng cạnh tranh giảm sút sẽ phải tụt hậu lại phía sau. Nhưng quan trọng nhất vẫn là khả năng thực hiện các giải pháp của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, cấu trúc lại hệ thống ngân hàng và giải quyết nợ xấu để tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế tăng trưởng đúng tiềm năng và các doanh nghiệp có cơ hội phát triển ổn định.

Nguồn Vietstock


Sự kiện