Chia sẻ về cách vượt qua đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cho rằng đại dịch giúp doanh nghiệp có thêm bản lĩnh thương trường. Ảnh: doanhnhansaigon
Đại dịch giúp doanh nghiệp có thêm "bản lĩnh" thương trường
Bà Phương, Kao Huy Phương, Giám đốc Công ty ABC, chia sẻ trong khủng hoảng, đôi khi những bước đi nho nhỏ lại tạo ra khác biệt. Như trong năm nay, ABC có bánh mì thanh long - đó là đột phá của thương hiệu. Mới đầu, đây chỉ là thành tựu riêng của công ty nhưng may mắn nó lại tạo một trend - xu hướng mới cho ngành ẩm thực Việt Nam.
Cũng theo bà Phương, COVID-19 giống như một cuộc thi mà người dự thi hoàn toàn không thể biết mình đậu hay rớt. Trong đó, khả năng rớt là rất cao khi mà thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp đã phải nhường thương trường lại cho những doanh nghiệp khác giỏi cầm cự hơn.
Bà Phương cho biết, bản thân từng sống qua thời kỳ dịch SARS vào năm 2003 cũng giống như COVID-19 bây giờ, mọi thứ đều trở nên hoang mang và lạ lẫm với các doanh nghiệp chưa chuẩn bị tinh thần từ trước. Trong khó khăn, giải pháp trước mắt của ABC Bakery là ngay lập tức tập trung vào những gì mà mình đang có để tìm cách sống sót.
Như trong năm nay, ABC có bánh mì thanh long - đó là đột phá của thương hiệu. |
"Thời điểm này chưa nói đến lãi lời, quan trọng là phải sống sót được qua mùa dịch. Chúng tôi tập trung vào các lợi thế sẵn có, một số cửa hàng chuyển qua online. Có một thực tế là khi dịch đến, nhiều nước rơi vào cảnh không có lương thực. Do đó, chúng tôi tập trung vào mảng xuất khẩu, cố gắng sản xuất ra những sản phẩm đơn giản, thuận tiện nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng như một bữa ăn bình thường", bà Phương cho biết.
Trong đó, dòng sản phẩm được ưu tiên nhất là bánh mì chứa các loại hạt dinh dưỡng vừa nhẹ vừa có thời gian bảo quản tốt, lại không cứng như dạng thanh năng lượng ở các nước mà vẫn đảm bảo bão bữa ăn, rút ngắn thời gian vận chuyển. Mặc dù dịch nhưng trong 1 tháng, ABC Bakery vẫn có thể vận chuyển từ 8-10 containers ra nước ngoài nhằm tạo công ăn việc làm cho nhân viên.
Trong đại dịch, ngành du lịch, phải hứng chịu nhiều tổn thất nhất, nhưng theo sẻ của ông Lại Minh Duy, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị TST tourist: “Hãy thực hành lối sống tiết kiệm và đặt lợi ích khách hàng lên trên. Ví dụ, chúng tôi đã xử lý những hợp đồng tour thành pháp lý để khách hàng yên tâm…”.
Lãnh đạo TST Tourist vẫn duy trì liên lạc với những người đã nghỉ và sẵn sàng đón chào trở về khi đại dịch qua đi. Ảnh:TSTtour |
"Năm 2020, chúng tôi phải sống từng ngày với một sự lo lắng về thông tin có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải xử lý khủng hoảng liên tục, có những hôm nhân viên phải làm việc đến 2-3h sáng chỉ để gửi thông báo hủy tour cho khách hàng. Chúng tôi hủy liên tục như thế cho đến khi có thông báo giãn cách xã hội", ông chia sẻ.
Có những thời điểm quá khó khăn, ban lãnh đạo xin không nhận lương nhưng tôi không đồng ý. Tôi xây dựng cho nhân viên năng lượng tích cực để vượt qua, ông Duy nói. Do khó khăn công ty phải cắt giảm nhân sự từ 142 xuống còn 80 người. Lãnh đạo TST Tourist vẫn duy trì liên lạc với những người đã nghỉ và sẵn sàng đón chào trở về khi đại dịch qua đi. Hiện mức lương của nhân viên cũng chịu ảnh hưởng, nếu trước dịch cấp quản lý sẽ có mức lương 30 triệu, còn nhân viên bình thường từ 10-15 triệu nhưng hiện tại thì có phần phụ cấp B1, B2 và tiền thưởng.
"Năm 2020 xét trên kinh doanh về thị phần nội địa chúng tôi tăng 10-15%. Đến năm 2021, chúng tôi tiếp tục đột phá bằng cách duy trì và làm sâu hơn về văn hóa doanh nghiệp. Năm 2021 chúng tôi vững vàng ở thị trường nội địa, khi kinh tế ổn định chúng tôi sẽ quay lại thị trường quốc tế", ông Duy nói.
Thay đổi cách truyền thông và tiếp cận khách hàng
Theo bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật: Kinh nghiệm vượt qua đợt COVID-19 vừa rồi, chúng tôi mạnh dạn thay đổi cách thức truyền thông và cách tiếp cận khách hàng mới bằng Online…và hiệu ứng thấy rõ, lượng khách hàng tăng lên rất nhiều so với trước đây “thay vì ngồi chờ khách hàng tìm đến” …
Là một công ty tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật cũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp vô cùng quan trọng và quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp khi khó khăn ập đến.
"Tại sao một số công ty lớn một tháng chi 5 ngày lương nhưng nhân viên vẫn hăng say làm việc. Còn có những công ty trả cả tháng lương nhưng nhân viên vẫn khiếu nại ban lãnh đạo, tất cả đều phải quay về văn hóa doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp vô cùng quan trọng và quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp khi khó khăn ập đến.Ảnh:CLBDoanhnhanviet |
Lúc khó khăn văn hóa mới giữ được con đường dài. Tôi thường nói, nếu có 2 chiến trường cần chiến đấu và xây dựng, thì tôi tập trung nội tại đầu tiên. Nếu vững nội tại thì khó khăn gì cũng lướt qua để chiến đấu ngoài kia. Còn nếu chỉ tập trung ngoài kia, thì COVID-19 đi qua chúng ta không còn đội ngũ nào để chiến đấu", bà Như cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc dự án EFD, OXFAM Việt Nam nhận định rằng hiện nay những doanh nghiệp nào tồn tại và phát triển tốt cho thấy văn hóa doanh nghiệp của họ rất vững, và cần phải phát huy tốt hơn khi dịch qua đi.
"Không phải chỉ COVID, từ trước đến nay tôi đều tư vấn cho doanh nghiệp rằng trở ngại lớn nhất đó là các doanh nghiệp thiếu một hệ thống. Khi khủng hoảng, thách thức thì rất nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề ở đây vì không có hệ thông bài bản. Thường doanh nghiệp nhỏ không chú ý đầu tư văn hóa, hệ thống nên khó xoay chuyển trong khó khăn. Do đó, chúng tôi khuyến khích dù bạn nhỏ đến đâu cũng phải xây dựng hệ thống. Dù nhỏ nhưng hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trước thách thức", bà Thu Hà chia sẻ.