Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ kinh phí tái cơ cấu kinh tế
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) yêu cầu ban soạn thảo đề án cần làm rõ nguồn lực thực hiện tái cơ cấu, trong đó cụ thể việc sẽ phân bổ nguồn lực vào những ngành, nghề, những vùng quốc gia như thế nào? Những nội dung gì sẽ sử dụng nguồn lực của Nhà nước, lĩnh vực nào dung nguồn lực của xã hội?
Thứ hai, liên quan đến mô hình tăng trưởng, theo đại biểu Hòa, đề án mới chỉ nêu chung chung là chuyển từ mô hình tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu mà chưa chỉ rõ mô hình cụ thể mà Việt Nam cần hướng tới, đồng thời ông đề nghị phải làm rõ năng lực cạnh tranh để định hình được mô hình tăng trưởng.
Ngoài ra, vị này cho rằng, đề án tái cơ cấu cần có chỉ tiêu để đo lường hiệu quả quá trình tái cơ cấu. Cụ thể, trong đầu tư công cần có chỉ tiêu đo lường như đầu tư công chiếm bao nhiêu trong GDP, cơ chế giám sát đầu tư công trong thời gian có những thay đổi gì.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thì cũng đặt chỉ tiêu doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò như thế nào trong nền kinh tế và chiếm vai trò quan trọng ở ngành nghề nào, làm rõ vai trò của chủ sở hữu trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và có cơ chế minh bạch giám sát,
Về tái cơ cấu ngành tài chính, cần nêu được trong tổng thể huy động vốn thì huy động vốn từ ngân hàng (hiện 90%) thì sau khi tái cơ cấu sẽ còn bao nhiêu, huy động vốn từ thị trường chứng khoán như thế nào?
"Đề nghị Chính phủ làm rõ nguồn kinh phí để tái cơ cấu kinh tế và trình Quốc hội xem xét ngân sách cần bỏ ra bao nhiêu để tái cơ cấu, trong đó sẽ phân bổ trong bao nhiêu năm và mỗi năm là như thế nào?", đại biểu Hòa phát biểu.
Theo ông, ngân sách tái cơ cấu chí ít thực hiện cho 3 khoản: Thứ nhất, kinh phí để miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thứ hai, kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào tái cơ cấu kinh tế như việc doanh nghiệp có thể mua lại những doanh nghiệp yếu kém khác. Thứ ba, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế sẽ có việc một số đối tượng phải thu hẹp lĩnh vực kinh doanh lại thì sẽ có những chính sách nào để hỗ trợ.
Trong khi đó, đại biểu cũng lo ngại về tính khả thi của đề án tái cơ cấu. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, đề án hiện tại mang hướng là đề án chung hơn là một đề án có thể thực hiện khả thi.
"Trong đoạn cuối của đề án có nêu: Căn cứ vào các nội dung, định hướng và giải pháp tái cơ cấu kinh tế tại Đề án này các Bộ, Cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty và Tập đoàn kinh tế nhà nước trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng các chương trình, đề án hoặc kế hoạch cụ thể về tái cơ cấu kinh tế của ngành, địa phương và đơn vị. Như vậy, việc thông qua đề án tổng thể mà chưa có đề án thành phần là chưa ổn, có bao nhiều đề án thành phần mà ai sẽ thông qua các đề án này?", ông Nhân nói.
Việc đề án đưa ra mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu để đảm bảo tăng trưởng 7 - 8% trong giai đoạn 2011 - 2020 là mục tiêu đúng nhưng rất khó thực hiện trong điều kiện xuất phát điểm của nền kinh tế hiện nay, vị này phát biểu thêm.
Nêu lên quan điểm của một lãnh đạo doanh nghiệp, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, đề án chưa cho thấy được giải pháp để khuyến khích các thành phần doanh nghiệp tham gia tái cơ cấu. Do vậy, ông đề nghị đề án làm rõ hơn những chính sách hỗ trợ đất đai, tín dụng… để doanh nghiệp cùng tham gia, hỗ trợ cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, đại biểu Thân cũng khuyến nghị đề án cần có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có động lực thực hiện tái cơ cấu, khi mà hiện nay sản xuất đang đình đốn, doanh nghiệp phá sản lớn, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán bấp bênh…
Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vị này đề nghị cần có biện pháp mạnh hơn như giảm thuế thu nhập, giảm thuế VAT để giám giá bán, kích thích sức mua và làm giảm hàng tồn kho. "Dù giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhưng nếu chúng ta không ngăn chặn tình trạng phá sản của doanh nghiệp, sự suy giảm của kinh tế thì thu ngân sách năm 2013 sẽ khó khăn hơn", đại biểu đoàn Đà Nẵng nói.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cùng đề nghị nên xem xét thành lập Ủy ban độc lập để thực hiện quá trình tái cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện quá trình này hiệu quả và thống nhất.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) trong bài phát biểu cũng nói " Tôi đồng tình với thường vụ Quốc hội trong việc chưa thông qua đề án tái cơ cấu kinh tế và phê duyệt thành Nghị quyết tại kỳ họp này vì phải lấy ý kiến bổ sung từ nhiều phía và nhiều lĩnh vực để có đề án cụ thể hơn".
Nguồn Lược ghi từ Quốc hội