Thứ Năm | 30/05/2013 07:28

Đại biểu Quốc hội tán thành lộ trình giảm thuế TNDN xuống 20% từ 2016

Tuy nhiên, các đại biểu yêu cầu xác định rõ thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ để áp dụng thuế suất thấp.
Sáng 29/5, đã có 20 đại biểu Quốc hội phát biểu ở hội trường góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Tất cả ý kiến đều tán thành nhiều nội dung cơ bản trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

Các đại biểu đều cho rằng cần thiết sửa đổi và ban hành trong kỳ họp thứ 5 để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đánh giá chung, dự án luật đã đảm bảo được mục tiêu, phù hợp với chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 và thông lệ quốc tế.

Các đại biểu Quốc hội đã tham gia ý kiến về một số nội dung cụ thể như về thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế của doanh nghiệp, quy định miễn thuế đối với công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu ngân hàng.

Về thuế suất phổ thông thuế TNDN, đa số ý kiến đồng tình và tán thành lộ trình đưa thuế suất này xuống còn 20% vào năm 2016. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội yêu cầu phải xác định tiêu chí cho rõ ràng thế nào là doanh nghiệp vừa và nhỏ để áp dụng thuế suất thấp và thế nào là những doanh nghiệp đặc thù khác để áp dụng thuế suất cao. Có một số ý kiến đề nghị áp dụng ngay thuế suất 20%, không chờ đến năm 2016.

Về vấn đề ưu đãi thuế TNDN, có ý kiến đề nghị cân nhắc đối với vấn đề ưu đãi trong khu công nghiệp, doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng và nên xác định những đối tượng và vùng để thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là điều kiện để áp dụng chính sách ưu đãi.
Băn khoăn trần chi phí quảng cáo

Dự thảo Luật Thuế TNDN quy định phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới, chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh (gọi chung là trần chi phí quảng cáo) không vượt quá 15% tổng số chi được trừ thuộc diện các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) tán thành việc nâng trần chi phí quảng cáo lên 15%, song cho rằng cần quy định lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu đề xuất, quy định mức khống chế được trừ theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo để tránh sự phức tạp trong tính toán, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch; bổ sung quy định về tỷ lệ khống chế đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù, các mặt hàng độc quyền, không cần phải chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị như điện, xăng dầu, kinh doanh nước sạch.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) và nhiều ý kiến đại biểu khác cũng chia sẻ quan điểm này và nêu băn khoăn, nếu quy định trần chi phí quảng cáo ở mức 15% với doanh nghiệp lớn thì đủ, nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập thì lại chưa phù hợp.

Là một chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) bày tỏ: “Tôi đồng ý mức trần nâng lên 15% nhưng trần đối với doanh số chứ không phải trần đối với chi phí để doanh nghiệp lập kế hoạch doanh số hàng năm, tính toán được kế hoạch về chi phí quảng cáo tiếp thị”.

Tuy nhiên cũng có luồng quan điểm đề xuất bỏ hẳn quy định này.

Đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) cho rằng không có lý do để doanh nghiệp chi quảng cáo nhiều hơn mức cần thiết bởi như vậy giảm lợi nhuận của chính mình. Ngoài ra, thực tế chỉ những doanh nghiệp trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số doanh nghiệp không cần chi nhiều.

“Tôi đề nghị chúng ta bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này”, đại biểu này đề xuất.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đề xuất cần có một lộ trình tiến tới bãi bỏ hoàn toàn quy định về trần chi phí quảng cáo, nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là lợi ích của nhà nước gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp và nguồn thu bền vững của nhà nước chính là làm sao tạo ra những hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của chính doanh nghiệp.

Kết luận nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết riêng vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phát phiếu thăm dò để xem có cần bỏ ngay tỷ lệ khống chế trần chi phí quảng cáo cho phù hợp với thông lệ quốc tế hay không. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo quá trình nghiên cứu tiếp thu đầy đủ để chỉnh lý dự án luật báo cáo lại Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện