Thứ Hai | 06/04/2015 14:53

Đại biểu Quốc hội nào tích cực phát biểu nhất?

Ở chiều ngược lại, không có con số thống kê về các vị... không phát biểu lần nào ở hội trường.

Những cử tri quan tâm đến hoạt động của Quốc hội chắc hẳn không còn xa lạ với danh tính nhiều vị đại diện cho dân thường xuyên đăng đàn trong các phiên thảo luận và chất vấn được truyền hình trực tiếp ở mỗi kỳ họp.

Nhưng để trả lời câu hỏi đại biểu Quốc hội nào tích cực phát biểu nhất, thì cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Ban Công tác đại biểu, trong một báo cáo mới hoàn thành về tình hình tổ chức và hoạt động của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội năm 2014, đã đưa ra những thống kê khá cụ thể.

Như, tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8, đã có hơn 2.000 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ, tại hội trường.

Chỉ tính riêng phát biểu tại hội trường, tích cực nhất là các vị: Trần Du Lịch (Tp HCM) 23 lần, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) 18 lần, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) 16 lần, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) 14 lần..., báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, báo cáo không có con số thống kê về các vị... không phát biểu lần nào ở hội trường.

Trong hoạt động chất vấn, ở hai kỳ họp của 2014, đã có 273 chất vấn bằng văn bản của 164 lượt đại biểu gửi đến chất vấn các vị bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng, các phó thủ tướng Chính phủ, Ban Công tác đại biểu cho biết.

Vẫn theo thống kê tại báo cáo thì số cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu theo chuyên đề, theo nhóm đối tượng, tại nơi công tác, nơi cư trú đều tăng lên so với năm 2013. Các đoàn trước đây đã quan tâm thực hiện đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri thì nay đều duy trì và phát huy tốt, như đoàn Tp HCM, Hà Nội, Bắc Kạn.

Đặc biệt, đoàn Tp HCM có số cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú năm 2014 là 17 cuộc, tăng gấp 4 lần so với năm 2013.

Liên quan đến hoạt động tiếp dân và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, dù giảm cả về số lượt công dân đã tiếp (5.500 lượt so với hơn 7.000 lượt của 2013) và số đơn đã chuyển (4.000 so với 4.500 đơn của 2013)

Báo cáo của Ban Công tác đại biểu cũng đã dành một phần để đánh giá về tình hình tham dự kỳ họp Quốc hội của các vị đại biểu với nhận xét: "Nhìn chung, các đại biều đều thực hiện nghiêm túc".

Tuy nhiên, việc một số phiên họp bao gồm có cả biểu quyết thông qua luật có quá nhiều đại biểu vắng mặt, có lúc đến gần 25% đã từng là vấn đề được báo chí đặt ra khi kỳ họp Quốc hội thứ 8 (tháng 11/2014) đang diễn ra.

Không thống kê, không nêu danh tính các vị “tích cực” vắng mặt, song Ban Công tác đại biểu cũng “đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Văn phòng Quốc hội nghiên cứu sớm đưa vào sử dụng công nghệ điểm danh, theo dõi đại biểu tham dự mỗi phiên họp cho sát với thực tế".

Nguồn VnEconomy