Đại biểu Quốc hội: Năm 2012 tăng trưởng 5,5% là hợp lý
Nên hướng tới mục tiêu tăng GDP 5,5%, lạm phát kiềm chế ở 8%
Về tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) nhận xét, GDP quý I chỉ tăng 4% - thấp nhất so cùng kỳ 3 năm qua, lạm phát 5 tháng chỉ ở 2,78%, điều này cho thấy việc giảm quá nhanh tổng cầu (khối lượng tiền tệ + chi tiêu) là nguyên nhân làm giảm nhanh chỉ số giá xuống. Song, điều hành lạm phát bằng cách giảm tổng cầu là chưa bền vững, sẽ gây nguy cơ lạm phát tăng trở lại.
Do vậy, theo ông vấn đề hiện nay là phải giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu lạm phát. Đại biểu Lịch không đồng tình với ý kiến cho rằng lúc này hy sinh tăng trưởng, khi khác phải hy sinh lạm phát. Theo ông, mục tiêu vĩ mô phải đảm bảo hài hòa, đó là tăng trưởng liên tục, kiềm chế lạm phát, ổn định giá cơ, tạo việc làm, tăng xuất khẩu, tạo cơ sở cho tăng ngoại tệ, ổn định dòng tiền…
Ông Lịch đánh giá, từ nay tới cuối năm, với những chính sách đang hướng tới, nếu không đạt mục tiêu 6% thì mục tiêu 5,5% là hợp lý, lạm phát nên kiềm chế ở 8%. "Mức lạm phát 8% tuy xấu nhưng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, chúng ta có thể chấp nhận một con số xấu trong phạm vi cho phép", ông nói.
Đồng tình với đại biểu Lịch, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, Chính phủ nên chấp nhận một tỷ lệ lạm phát vừa phải, không quá thấp để cứu nền kinh tế do hiện nay một số dự án không có vốn để tiếp tục triển khai, cũng như nhiều doanh nghiệp không vay được vốn do tín dụng bị thắt chặt.
Có thể giải ngân 70.000 tỷ đồng/tháng từ nay đến cuối năm
Đại biểu Lịch cho rằng, Chính phủ hiện có nhiều dư địa thực hiện chính sách vĩ mô hơn năm 2011.
Về vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, theo số liệu Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm mỗi tháng giải ngân 12.700 tỷ đồng, ông Lịch dự kiến, từ nay tới cuối năm mỗi tháng có thể giải ngân khoảng 15.700 tỷ đồng. Riêng về trái phiếu Chính phủ, những tháng đầu năm mỗi tháng giải ngân 7.100 tỷ đồng, những tháng còn lại có thể giải ngân 5.700 tỷ đồng mỗi tháng. Như vậy, từ nay tới cuối năm, trong kế hoạch được Quốc hội cho phép có thể giải ngân hơn 21.000 tỷ mỗi tháng.
Về chính sách tiền tệ, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15 - 17%. "Nhưng hiện nay tín dụng còn âm thì không thể hoàn thành chỉ tiêu", đại biểu này nhận định (5 tháng đầu năm âm khoảng 0,89% - PV). Theo vị đại biểu này, giả định rằng, NHNN điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 12% thì từ này tới cuối năm, mỗi tháng bơm tiền ra nền kinh tế khoảng 50 nghìn tỷ.
"Nếu cộng cả ngân sách và tín dụng thì từ nay tới cuối năm mỗi tháng sẽ có 70.000 tỷ đồng bơm ra thị trường, song nền kinh tế không hấp thụ được", vị này đánh giá.
Ông Lịch nhận định, hiện nay dòng vốn của nền kinh tế đang bị nghẽn, mà vấn đề cốt lõi gấy tắc nghẽn là nợ xấu ngân hàng. Do vậy, trong quá trình tái cơ cấu, NHNN phải xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu ngân hàng.
Cần tín hiệu miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Lịch ủng hộ gói giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ (29.000 tỷ đồng giãn, miễn, giảm thuế). Song đại biểu này kiến nghị, Chính phủ nên có tín hiệu rằng sau kỳ họp này sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% để doanh nghiệp có thêm niềm tin.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Chính phủ cần có đánh giá chính xác hơn tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có những hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp cụ thể. Trong đó, có đại biểu đã kiến nghị Chính phủ làm rõ có bao nhiêu doanh nghiệp hiện nay phá sản do cơ chế, bao nhiêu phá sản do nguyên nhân nội tại.
"Gói hỗ trợ của Chính phủ chỉ nên hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn do những sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua, không hỗ trợ cho doanh nghiệp yếu kém thực sự", ông Tâm phát biểu.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu kiến nghị NHNN nên tiếp tục giảm lãi suất, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các ngân hàng, tránh tình trạng đã có chính sách giảm lãi suất nhưng thực tế ngân hàng vẫn cho vay lãi suất cao.
Ngoài những vấn đề trên, một số đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ kiểm soát việc đầu tư ngoài ngành của những doanh nghiệp Nhà nước, tập trung tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty.
Nguồn Lược ghi từ Quốc hội