Thứ Hai | 08/09/2014 16:21

Đại biểu Quốc hội không thể làm việc như công chức

Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là ý kiến chủ đạo của các ĐBQH chuyên trách khi góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp về dự thảo Luật Tổ chức Quốchội (sửa đổi). Ảnh: VGP/Thành Chung

Luật Tổ chức Quốc hội là một trong những luật tổ chức bộ máy Nhà nước quan trọng được sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp 2013.

Dự thảo luật này quy định theo hướng thể hiện rõ trách nhiệm của ĐBQH với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thể hiện rõ các quyền đã được Hiến pháp ghi nhận; quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm để ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Dự thảo tiếp tục khẳng định Đoàn ĐBQH là hình thức tổ chức hoạt động của các ĐBQH được bầu ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời, khẳng định Đoàn ĐBQH có Văn phòng giúp việc.

Tuy nhiên, các ĐBQH chuyên trách vẫn cho rằng dự thảo chưa làm rõ vai trò của đại biểu; cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội còn nặng về hành chính; quyền hạn của đại biểu chưa rõ ràng; số lượng ĐBQH chuyên trách tuy có tăng nhưng chưa đáng kể…

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, tiêu chuẩn ĐBQH như dự thảo giống như tiêu chuẩn một công chức. Đại biểu này cho rằng luật phải thể hiện được sự phản biện, tính độc lập, vô tư khi ĐBQH xử lý vấn đề, tránh bị lợi ích nhóm chi phối.

Nhiều ý kiến khác nhấn mạnh tới yếu tố ĐBQH phải "gần dân hơn nữa". Bà Võ Thị Hồng Thoại (đại biểu Bạc Liêu) cho rằng: "ĐBQH chuyên trách phải dành 1/4 thời gian tiếp xúc cử tri. Nay ĐBQH chỉ tiếp xúc trước và sau mỗi Kỳ họp. Còn tiếp xúc cử tri theo chuyên đề thì ĐB chuyên trách ở Trung ương và đại biểu kiêm nhiệm tham gia ít, nên chưa gần dân".

Đối với tổ chức Đoàn ĐBQH, một số đại biểu đề nghị cần phải coi là một thể chế chứ không phải chỉ là một hình thức tổ chức của ĐBQH ở địa phương. Theo ông Nguyễn Anh Sơn, đại biểu tỉnh Nam Định, Đoàn ĐBQH phải có văn phòng làm việc, cơ quan giúp việc, con dấu và tư cách pháp nhân. Như vậy sẽ phát huy sức mạnh giám sát của cơ quan dân cử.

Ngoài nội dung trên, các ĐBQH chuyên trách cũng thảo luận một số nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội cho phù hợp với những quy định trong Hiến pháp 2013.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tổng hợp, báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào trung tuần tháng 10 tới.

Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) là một trong các dự án Luật được thảo luận tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, diễn ra từ ngày 8-10/9/2014. Các dự án Luật còn lại bao gồm: Luật Căn cước công dân, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện