Thứ Hai | 03/06/2013 12:17

Đại biểu Quốc hội đồng tình giữ nguyên tên nước trong thời điểm này

Việc thay đổi tên nước sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp.
Sáng nay, 3/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII tiếp tục được tiến hành với nội dung xoay quanh việc sửa đổi dự thảo Hiến pháp 1992.

Về vấn đề sửa đổi tên nước, hầu hết ý kiến Đại biểu nhất trí giữ nguyên tên nước là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam.

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng "Tên gọi CHXHCN Việt Nam đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa Xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải thay đổi quốc huy, quốc hiệu, gây tốn kém, phức tạp".
Về vấn đề thu hồi đất đai được quy định tại điều 58, đa số các ý kiến đại biểu nhất chí với phương án thứ 3 là "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội".

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Giàng Thị Bình (Đoàn Lào Cai) kiến nghị Nhà nước cần bồi thường đất theo giá thị trường khi tiến hành thu hồi của dân.

Bên cạnh đó, khi tiến hành thu hồi đất Nhà nước cần có chính sách đền bù thỏa đáng, giải quyết công ăn việc làm cho người dân mất đất, nên chưng mua thay vì chỉ sử dụng phương án thu hồi, theo ý kiến Đại biểu Hoàng Việt Phương (Đoàn Tuyên Quang).
Về quy định về các thành phần kinh tế tại điều 54, đa số các đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án thứ 2 "Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật".

Nguồn Dân Việt


Sự kiện