Thứ Tư | 20/06/2012 15:04

Đại biểu Quốc hội đề nghị rút ngắn lộ trình giá bán lẻ điện cạnh tranh

Theo Đại biểu Quốc hội lộ trình theo đề xuất của Chính phủ năm 2022 mới tính khả năng cạnh tranh giá bán lẻ điện là quá muộn.
Sáng nay (20/6), các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Điện lực sửa đổi.

Theo Hà Nội mới, góp ý về lộ trình thực hiện cạnh tranh giá bán lẻ điện trong dự thảo, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, lộ trình theo đề xuất của Chính phủ là đến 2022 mới tính đến khả năng cạnh tranh giá bán lẻ điện là quá muộn, cần sớm thực hiện thị trường điện cạnh tranh vì lợi ích của người dân. Nếu chỉ có một đơn vị duy nhất bán lẻ, không có cạnh tranh sẽ dẫn đến nhiều sự bất bình đẳng và thiếu minh bạch. Hiện hao hụt trong truyền tải là hơn 10% nhưng người dân lại đang phải chịu chi phí là chưa thực sự tính tới lợi ích của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tại báo cáo Dự kiến tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Bộ Công thương cho rằng thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Cấp độ 1 (2005-2014): thị trường phát điện cạnh tranh; Cấp độ 2 (2015 - 2022): thị trường bán buôn điện cạnh tranh; Cấp độ 3 (từ sau 2022): thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước: thí điểm và hoàn chỉnh. Dự kiến tháng 7/2012, thị trường phát điện cạnh tranh (thị trường điện cạnh tranh trong khâu phát điện) sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Mặt khác, điện năng là loại hàng hóa đặc biệt do điện năng không lưu trữ được, quá trình sản xuất và tiêu thụ điện năng diễn ra đồng thời. Việc phát triển thị trường điện theo từng cấp độ tăng dần với thời gian chuyển mỗi cấp độ từ 7 đến 8 năm là bước đi thận trọng nhằm đảm bảo sự phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với sự phát triển ngành điện trên các khía cạnh về cơ cấu tổ chức, hệ thống các văn bản pháp lý, cơ sở hạ tầng hệ thống điện; năng lực hoạt động của các đơn vị tham gia thị trường.

Qua thực tế 7 năm thực hiện Luật Điện lực, việc triển khai thực hiện các điều kiện nêu trên cho các cấp độ thị trường điện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tính đáp ứng của cơ sở hạ tầng hệ thống điện. Bộ Công thương cho biết, trong quá trình thực hiện, nếu các điều kiện trên được đáp ứng thì có thể xem xét kiến nghị Chính phủ để rút ngắn lộ trình thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) đề nghị phát triển bền vững điện lực cần trên cơ sở kết hợp hợp lý các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Quy hoạch cần bảo đảm tính kết nối, tái tạo nguồn năng lượng, chú trọng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Để bắt kịp nhu cầu phát triển, đại biểu Vẻ cho rằng nên sớm soạn thảo Luật năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) nhận xét, quy hoạch phát triển điện lực hiện còn thiếu tính kết nối. Đề nghị quy hoạch mới phải gắn chặt chẽ với quy hoạch của các nguồn năng lượng sơ cấp như dầu, khí, và đặc biệt là xu hướng gia tăng cơ cấu nguồn nhiệt điện, phát triển điện cần động bộ với kế hoạch phát triển nguồn điện. Quy định các nguồn tái tạo phù hợp với quy hoạch điện lực. Đồng thời, bảo đảm kết nối với các quy hoạch khác như quy hoạch tổng thể xây dựng; quy hoạch công nghiệp; thuỷ lợi; giao thông; du lịch; dịch vụ - thương mại; khu đô thị…

Nguồn Báo Hà Nội mới


Sự kiện