Thứ Tư | 24/10/2012 07:00

Đại biểu QH đề nghị rút thời gian hình thành thị trường điện cạnh tranh xuống 2-3 năm

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, thời gian cần thiết để hình thành thị trường điện lực cạnh tranh đến năm 2022 là quá dài.
Trong phiên thảo luận ở hội trường chiều ngày 23/10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, thời gian cần thiết để hình thành thị trường điện lực cạnh tranh đến năm 2022 là quá dài, cần rút ngắn xuống 2 - 3 năm, tức là kết thúc năm 2019 hoặc năm 2020.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ lấy ví dụ từ các nước phát triển, điển hình là Úc đã rất thành công trong phát triển thị trường điện cạnh tranh vào khoảng thời gian ngắn từ 1993 đến 1998. Để có kết quả đó, Chính phủ Úc đã mạnh dạn cổ phần hóa các doanh nghiệp điện lực, nhà nước chỉ tham gia với cổ phần không chi phối, kêu gọi đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước đầu tư vào ngành điện...

Do vậy, vị này cho rằng, Chính phủ cần mạnh dạn tái cơ cấu ngành điện để thu hút các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư vào ngành điện, từ đó xóa độc quyền, đảm bảo sự minh bạch công khai và giải quyết được bài toán khó khăn nhất hiện nay là vốn đầu tư cho ngành điện.

Theo Quyết định số 26 ngày 26/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường điện lực tại Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ:

Năm 2006-2014 là giai đoạn hình thành mô hình thị trường phát điện cạnh tranh.

Năm 2015-2022 hình thành thị trường bán buôn cạnh tranh.

Sau năm 2022 là mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho hay, việc hình thành và phát triển thị trường điện là một vấn đề mới, phức tạp; điện cũng là mặt hàng quan trọng, thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có đủ thời gian để vừa xây dựng, phát triển, vừa hoàn chỉnh thị trường điện với tinh thần hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, Ủy ban TVQH cho rằng, việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ phát triển thị trường điện lực là cần thiết, do đó Luật điện lực sửa đổi bổ sung quy định "có lộ trình phát triển thị trường điện lực, rà soát và điều chỉnh đẩy nhanh lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ".

Về chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực, đa số ý kiến đại biểu nhất trí chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm, có định hướng cho 10 năm tiếp theo.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến, quy hoạch tổng thể điện quốc gia phải bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch nguồn năng lượng sơ cấp như than, dầu, khí đốt, tiềm năng thủy điện và các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo và quy hoạch phát triển của các địa phương. Đồng thời, còn phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, tỷ lệ tăng trưởng để dự báo về nhu cầu phụ tải cho từng thời kỳ và từng giai đoạn của quy hoạch.

Tôi thấy việc quy hoạch vừa qua do Thủ tướng Chính phủ duyệt vẫn chưa đủ, mà quy hoạch tổng thể về điện quốc gia phải thông qua Quốc hội cũng tương tự như quy hoạch đất đai, thực hiện dự án luật về điện hạt nhân. Cần có chế tài liên quan đến chất lượng duyệt quy hoạch và chất lượng của quy hoạch. Ví dụ giai đoạn trước EVN được duyệt 40 công trình, sau bỏ 12 công trình không thực hiện thì các đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, đại biểu Nguyệt nói.

Bên cạnh đó, Ủy ban TVQH cũng bổ sung quy định ”Dự kiến quỹ đất cho công trình điện lực”. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) hoàn toàn nhất trí với ý kiến này, nhưng để tăng thêm tính khả thi thì nên cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên liên quan trong xây dựng phương án giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Ngoài ra, để tăng tính khả thi cho các dự án nằm trong các quy hoạch, nên cân nhắc bổ sung yêu cầu phải chỉ ra một số các giải pháp chính về nguồn vốn đầu tư. Chẳng hạn như dự kiến có bao nhiêu % vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, bao nhiêu % vốn huy động từ các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, bao nhiêu % vốn sẽ được huy động từ các nguồn khác như vay vốn nước ngoài hay các doanh nghiệp tư nhân..., đại biểu Hải cho biết.

Ủy ban TVQH cũng thống nhất bổ sung quy định về bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai vào nội dung quy hoạch phát triển điện lực.

Nguồn Khampha


Sự kiện