Thứ Sáu | 16/11/2012 22:48

Đại biểu kiến nghị bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội

Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung hoặc chuyển một số cơ quan thành cơ quan trực thuộc của Quốc hội, đổi Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Trung ương...
Tại phiên thảo luận sáng 16/11 của Quốc hội về sửa Hiến pháp 1992, Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cho biết: Trong dự thảo, cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực được thể hiện chưa đầy đủ, chưa triệt để so với các cơ chế phân công và phối hợp quyền lực.

Để có cơ chế kiểm soát trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn làm cơ sở hiến định cho việc ban hành Luật Tổ chức bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Đại biểu Trần Văn Độ đưa ra 4 đề nghị.

Một là bỏ quy định coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, bởi vì theo quy định là cơ quan hành pháp Chính phủ đương nhiên triển khai thực hiện các nghị quyết, luật của Quốc hội hay nói cách khác hành pháp đã bao gồm chấp hành.

Hơn nữa thuật ngữ "người chấp hành" dễ bị hiểu nhầm Chính phủ là cơ quan cấp dưới của Quốc hội, trái với nguyên tắc phân công và kiểm soát thực hiện quyền nhà nước.

Hai là nghiên cứu, bổ sung hoặc chuyển một số cơ quan thành cơ quan trực thuộc của Quốc hội để tăng thẩm quyền giám sát của Quốc hội như là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện quyền giám sát tối cao. Cần nghiên cứu trao cho Quốc hội những công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát kiểm soát của mình đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp.

Như cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan bảo hiến có chức năng giải thích Hiến pháp và tài phán, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trực thuộc Quốc hội với các văn phòng ở địa phương để giám sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Đổi Ngân hàng Nhà nước thành Ngân hàng Trung ương và trực thuộc Quốc hội như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện, để Quốc hội có công cụ hữu hiệu trong quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao của mình, không để tình trạng rất nhiều quyết định trong chính sách tiền tệ, tín dụng, các khoản chi rất lớn, đặc biệt lớn nhưng Quốc hội chúng ta không biết.

Ba là rà soát các nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan phù hợp với chức năng, không để Quốc hội thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng hành pháp, không để các cơ quan Chính phủ thực hiện các quyền hạn thuộc chức năng lập pháp và các cơ quan tư pháp, tòa án thực hiện các quyền hạn, chức năng hành pháp.

Bốn là bổ sung khoản 4, điều 10 dự thảo giao cho Tòa án Nhân dân Tối cao chức năng giải thích luật, bao gồm cả ban hành án lệ, là cơ quan có chức năng áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật, bản án có hiệu lực của tòa án là cách thể hiện đúng đắn nhất quy phạm pháp luật được áp dụng”.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện