Đặc khu kinh tế TPHCM: Đừng chỉ là vỏ!
Viễn cảnh ra đời các đặc khu kinh tế lại tiếp tục nóng lên với việc Ủy ban Nhân dân TP.HCM đề xuất thành lập một đặc khu kinh tế tại khu vực phía Nam của Thành phố, dự kiến gồm quận 7 và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.
Trong số này, ngoại trừ quận 7 đã khá phát triển nhờ Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng, những quận huyện còn lại vẫn kém phát triển. Vì vậy, đề án này nhận được nhiều kỳ vọng từ lãnh đạo Thành phố: “Đề án đặc khu kinh tế được kỳ vọng là mô hình mới của TP.HCM, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và các hoạt động kinh tế gắn với hệ thống cảng biển, du lịch sinh thái”.
Mới đây, dự án nạo vét lòng sông Soài Rạp giai đoạn 2 đã hoàn thành với tổng chiều dài 54 km, mở thêm một tuyến đường mới cho các tàu từ biển Đông ra vào TP.HCM, có thể đón tàu có trọng tải lên tới 50.000 tấn.
Trong tương lai, Khu Đô thị Hiệp Phước dự kiến sẽ được hình thành với điểm nhấn là 4 cảng lớn gồm Cảng container quốc tế SPCT, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An. Bên cạnh đó, đường cao tốc kết nối Bến Lức (Long An) với Long Thành (Đồng Nai) sẽ đi qua khu vực này để tạo thành một hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh cho vùng đất trũng phía Nam.
Đối với đề án lần này của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, đã có một số ý kiến ủng hộ. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng TP.HCM cần có các quy định cho phép những thẩm quyền và quyền hạn tương xứng với vị thế, tiềm năng của Thành phố để có thể phát triển mạnh mẽ hơn; điều đó một mặt đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế cả nước, mặt khác thúc đẩy kinh tế của các tỉnh, thành phố khác.
Nếu đề xuất của TP.HCM được Trung ương chấp thuận, Việt Nam có thể sẽ có tới 4 đặc khu kinh tế trong tương lai, gồm cả Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Vân Đồn (Quảng Ninh). Nhưng cho đến nay, chỉ mới thấy Phú Quốc đang hưởng không khí khá sôi động với một loạt các dự án hạ tầng và thương mại - du lịch để có thể trở thành một đặc khu kinh tế đúng nghĩa.
Chia sẻ với NCĐT, Tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người có hơn 20 năm trong ngành kiến trúc và quy hoạch, cho rằng đặc khu kinh tế là điều Việt Nam nên thực hiện để tạo cơ chế thông thoáng hơn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy vậy, đối với đề án thành lập đặc khu kinh tế của TP.HCM, ông Sơn cho rằng còn nhiều điều cần phải làm rõ, vì hiện tại chưa thấy được sợi dây liên kết giữa các quận huyện được chọn. “Bình Chánh và Nhà Bè vẫn còn nghèo, trong khi Phú Mỹ Hưng của quận 7 đã là khu đô thị phát triển”, ông nói.
Còn trên bình diện rộng hơn, ông Sơn cho rằng nếu toàn bộ TP.HCM trở thành một đặc khu thì sẽ thuyết phục hơn. Khi đó các chính sách phát triển về mặt tổng thể sẽ hài hòa hơn cũng như quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả hơn. ”Diện tích của TP.HCM cũng tương đương với đặc khu kinh tế Thẩm Quyến của Trung Quốc, tức TP.HCM có đủ điều kiện để trở thành một đặc khu đúng nghĩa”, ông Sơn nói.
Sẽ còn nhiều điều phải bàn. Bên cạnh vấn đề quy mô triển khai, cơ chế chính sách ban hành sẽ thả lỏng đến đâu thì cũng có một số vấn đề khác cũng quan trọng không kém cần được bàn thảo kỹ.
Ví dụ, phía Nam của TP.HCM là lối thoát nước chính của cả thành phố nên việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng và thương mại, khu công nghiệp lớn sẽ cần được thiết kế kỹ lưỡng để tránh nguy cơ ngập lụt cho các khu vực khác. Ngoài ra, Cần Giờ hiện là lá phổi xanh của Thành phố với nhiều khu rừng ngập mặn quy mô lớn, đa dạng về sinh học. Chiến lược phát triển kinh tế cho huyện này cần phải đi kèm với việc thẩm định các tác động lâu dài đến môi trường sinh thái ở đây.
Thực ra, kinh nghiệm về việc xây dựng các đặc khu kinh tế của Việt Nam đã có mà điển hình là thất bại của đặc khu kinh tế Côn Đảo những năm 1970. Đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa thấy những báo cáo kỹ lưỡng nào về nguyên nhân thất bại của đặc khu này để tránh lặp lại cho các đề án tương tự trong tương lai.
Trong khi đó, theo tờ The Economist, cả thế giới hiện đang phát sốt với trào lưu đặc khu kinh tế. Số lượng các đặc khu trên toàn cầu cho đến nay đã lên đến con số 4.300 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Nhưng không phải các đặc khu nào cũng thành công, điển hình là sự thất bại của hàng trăm các đặc khu kinh tế tại Ấn Độ.
Rõ ràng, rủi ro xây dựng các đặc khu kinh tế không phải là thấp. Đừng để hình ảnh của một đặc khu kinh tế bị lạm dụng để trở thành một nơi miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, trong khi tác động về mặt kinh tế xã hội bị hạn chế.
Chính vì lẽ đó, cũng xuất hiện những ý kiến lo ngại. “Việt Nam vẫn hay coi đặc khu kinh tế là nơi được bao quanh bởi bốn bức “tường rào” và trong đó được hưởng những chính sách ưu đãi. Cuối cùng mô hình cả hàng trăm khu công nghiệp của cả nước, đặc biệt là các khu kinh tế tại các tỉnh duyên hải miền Trung đều mọc lên theo ý tưởng đó”, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận định.
“Môi trường thể chế mới là yếu tố quan trọng nhất. Dù có trong “hàng rào” hay không “hàng rào”, nhưng nếu chính quyền địa phương quyết định hết thì nó chẳng có tác dụng gì cả. Cuối cùng, ban quản lý khu kinh tế hay ban quản lý khu công nghiệp cũng chỉ có nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chứ không có quyền quyết”, ông nói thêm.
Vào lúc này, trong khi đề án thành lập đặc khu kinh tế của TP.HCM vẫn đang nằm trên bàn giấy thì đã xuất hiện những ngành nghề hưởng lợi từ thông tin này như bất động sản. Các chủ đầu tư đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội để quảng bá cho các sản phẩm của mình. Đất Xanh, chẳng hạn, vừa mua lại một dự án bất động sản từ Công ty Thế Kỷ 21 tại quận 7 và phát triển thành dự án căn hộ với tên gọi mới là LuxCity. Dọc các tuyến đường chính như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh, nhiều dự án sau thời gian dài nằm yên cũng rục rịch khởi động trở lại.
Ở Cần Giờ, siêu dự án lấn biển Saigon Sunbay trị giá 1,5 tỉ USD “nằm đắp chiếu” từ năm 2007 đến nay có thể sẽ nhận được cú hích lớn từ chủ trương “biến vùng hoang vu phương Nam thành đặc khu kinh tế” của TP.HCM.
Sơn Nguyễn