Dabaco “tăng trọng”
Năm 2017 có thể nói là năm sóng gió với ngành chăn nuôi heo. Việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu heo hơi qua đường mậu biên khiến ngành nông nghiệp thừa hơn 35% đầu heo thịt. Nhiều chuyên gia ước tính, gần 1 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẽ đã phải ngưng sản xuất, treo chuồng vì không thể tiếp tục trang trải chi phí chăn nuôi. Năm 2018, do nguồn cung heo hơi giảm mạnh và tiềm năng xuất khẩu do Hiệp định thương mại AFTA với 12 nước, giá heo bật tăng mạnh trở lại. Đây là tiền đề cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco và nhiều doanh nghiệp chăn nuôi hồi sinh mạnh mẽ.
Theo đà giá thịt heo tăng
Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 ngày đầu tháng 8, giá heo hơi trong nước đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá heo hơi xuất chuồng có thời điểm chạm mốc 57.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm 2017. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá heo hiện nay được nâng đỡ bởi 2 trụ cột chính là nguồn cung giảm mạnh so với năm 2017 và cơ hội xuất khẩu heo qua đường chính ngạch do Hiệp định thương mại AFTA mà Việt Nam đã ký với 12 quốc gia. Một yếu tố phụ khác là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài khiến việc tìm nguồn nhập khẩu nông sản thay thế trở nên cấp thiết.
Thành lập từ năm 1993, Dabaco là doanh nghiệp hoạt động đa ngành với 3 lĩnh vực chính gồm thức ăn gia súc, bán con giống, chăn nuôi gia công và chế biến thực phẩm. Doanh nghiệp này hiện nằm trong top 10 doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn nhất, với 6 nhà máy hoạt động có tổng công suất 1,08 triệu tấn/năm. Ngoài heo, Dabaco còn đang đầu tư và phát triển mảng chăn nuôi gà. Dabaco chiếm 10% thị phần gà giống và 20% thị phần trứng gà tươi khu vực phía Bắc. Về gà giống, công ty có tổng công suất thiết kế 38 triệu đơn vị/năm. Năm 2017, năm khó khăn của ngành chăn nuôi, sản lượng thịt heo của Công ty là 500.000 tấn, tương đương một nửa công suất thiết kế.
Theo xu hướng giá heo tăng, Dabaco trở thành kênh đầu tư khả quan khi kết quả kinh doanh 2018 được đánh giá là ngoạn mục hơn nhiều so với năm trước. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng tích cực từ 20.000 đồng thời điểm tháng 6 lên 29.000 đồng hiện tại. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài, nhiều khả năng xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục vượt nhiều ngưỡng kháng cự mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm, Dabaco ghi nhận 2.990,6 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 92,8 tỉ đồng, so với mức lỗ 19,7 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2017. Điều đáng nói là kết quả quý I/2018 của Dabaco chỉ mới đạt 10,2 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế nhưng quý II đã tăng vọt lên hơn 8 lần đạt 82,6 tỉ đồng, trong khi giá thịt lợn chỉ mới bắt đầu tăng từ cuối tháng 4.2018.
Sau khi cập nhật kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2018, Dabaco đạt 3.696 tỉ đồng doanh thu (tăng 17% so với cùng kỳ) và 148 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ lỗ 44 tỉ đồng). Chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Dabaco là mảng thức ăn chăn nuôi với 41% (giảm so với năm 2017 là 46%), mảng chăn nuôi chiếm 38%, còn lại là doanh thu về thương mại dịch vụ và các mảng khác.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư và các chuyên viên phân tích ngày 10.8.2018, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dabaco, cho biết có khả năng Công ty về đích sớm, một khi hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 trong 9 tháng nếu giá thịt heo vẫn duy trì ở mức hiện nay. Theo kinh nghiệm và phân tích của ông So, giá thịt heo chỉ có tăng chứ không thể giảm và chu kỳ giá 18 tháng chỉ mới bắt đầu trong 2 tháng vừa qua.
Định giá thực của Dabaco
Theo Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, tại thời điểm giữa năm 2018, cổ phiếu DBC của Dabaco được giao dịch ở mức P/E kỳ vọng là 4,6 lần. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu 10% vốn điều lệ cho năm 2018. Theo dự phóng dòng tiền, doanh thu năm 2018 ước đạt 9.300 tỉ đồng, với lợi nhuận sau thuế ước đạt 430 tỉ đồng, ROE (năm 2017) đạt 16,2% và ROA là 6,4%.
Trong năm 2019, doanh thu của Dabeco được kỳ vọng đạt 10.230 tỉ đồng, với lợi nhuận sau thuế ước đạt 481 tỉ đồng, ROE và ROA năm 2019 lần lượt tiệm cận 15,4% và 6,3%.
Xu hướng trung hạn của DBC là tăng, với giá cổ phiếu cao nhất 52 tuần là 30.000 đồng và thấp nhất là 18.800 đồng. Tại cuối tháng 9.2018, DBC có chỉ báo tích cực khi MACD đang nằm cao hơn cả đường tín hiệu và mức 0. Các chỉ báo khác chủ yếu ở mức trung tính hoặc lạc quan nhẹ. Khuyến nghị là nhà đầu tư có thể lựa chọn mua vào cổ phiếu DBC trong vùng giá 29.000-29.500 đồng, kèm với sự cải thiện rõ nét hơn về mặt thanh khoản. Giá cổ phiếu ngày 27.9 của DBC là 29.000 đồng, với thanh khoản ước đạt 53.646 khối lượng giao dịch.
*Phân tích của Maybank Kim Eng chỉ có giá trị tham khảo đối với nhà đầu tư.