Đã xây dựng xong bộ quy chế mới về phân loại nợ xấu
Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đề xuất với NHNN phương án tái cơ cấu, chọn các công ty kiểm toán đánh giá các ngân hàng này.
Đến nay, trong 9 ngân hàng yếu kém đã có 3 ngân hàng hợp nhất, 1 ngân hàng sáp nhập, 2 ngân hàng tự tái cơ cấu, 2 ngân hàng hiện nay đang được báo cáo Chính phủ phương án tái cơ cấu, 1 trong đó tự tái cơ cấu và 1 sẽ được sáp nhập với ngân hàng khác, 1 ngân hàng hiện đang được NHNN xây dựng phương án cuối cùng với ngân hàng đó. Sau khi thực hiện, sáp nhập, hợp nhất và tự tái cơ cấu, khả năng chi trả của các ngân hàng đến nay đã được đảm bảo.
Ông Nghĩa cũng cho biết, sáp nhập hợp nhất chỉ là bước đi đầu tiên nên các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập vẫn đang triển khai tái cơ cấu lại hệ thống quản trị.
Về vấn đề nợ xấu, theo ông Nghĩa, trong năm 2012, các chính sách NHNN đưa ra để xử lý nợ xấu là để tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu bằng dự phòng, cơ cấu lại nợ và xử lý tài sản đảm bảo.
Để hỗ trợ, NHNN đã ban hành các quyết định 280 cho phép TCTD giữ nguyên nhóm nợ, giảm thiểu tác động của nợ xấu; công văn 2871 cho phép TCTD mua bán nợ xấu và Chỉ thị 06 yêu cầu các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng...
Đề án thành lập công ty mua bán tài sản cũng là một công cụ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ông Nghĩa cho biết. Đề án này đang được Chính phủ thảo luận.
Ngoài ra, ông Nghĩa cho biết, hiện đã xây dựng xong 2 bộ quy chế thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và dự thảo quy chế mới về tỷ lệ an toàn để sau khi tái cơ cấu ngân hàng hoạt động trên chuẩn mực an toàn hơn.
Nguồn Khampha