Thứ Hai | 17/10/2016 13:19

Đà tăng của USD: Nhìn vậy mà không phải vậy

Chỉ số đôla tuần qua tăng lên cao nhất 7 tháng, nhưng đà tăng gần đây của đồng bạc xanh không hẳn như bề ngoài.

Đó là vì đầu kéo lớn nhất cho đà tăng của USD chính là tình trạng gần như sụp đổ của bảng Anh.

Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng khoảng 2% trong tháng 10, chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 3. Nhưng 1/3 mức tăng này từ đầu tháng đến hôm thứ Tư 12/10 chủ yếu do bảng Anh lao dốc, theo Số liệu Thị trường WSJ. Bảng Anh - đã giảm 6% từ đầu tháng đến nay - chiếm 11% tỷ trọng của chỉ số Đôla Wall Street Journal.

Bảng Anh bị bán tháo trong tháng này do lo ngại về những ảnh hưởng gây ra khi Anh ra khỏi EU (Brexit). Nhiều nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May sẽ cố gắng đạt được hiệp định thương mại riêng biệt và đặt ưu tiên cho việc kiểm soát tình trạng nhập cư.

Các quan chức Fed không thể coi đà tăng của USD mà chủ yếu nhờ bảng Anh trong thời gian gần đây là lý do để trì hoãn việc nâng lãi suất.

Theo số liệu của CME Group, tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất vào tháng 12 hiện đứng ở 66%, tăng so với 50% so với một tháng trước.

Trước kia, các quan chức Fed thường sử dụng việc USD mạnh lên là lý do để chưa nâng lãi suất, nhưng lo ngại của họ dường như tập trung vào việc USD đang thắt chặt các điều kiện tài chính đối với các thị trường mới nổi như thế nào.

Paul Lambert, phụ trách tiền tệ tại Insight Investment, cho biết, nếu USD tăng mạnh, chứng khoán lao dốc, Fed sẽ nhận thấy tình hình khá khó khăn.

Ông Lambert cũng tỏ ra lạc quan về đà tăng của USD. Đồng bạc xanh mạnh lên khi kỳ vọng Fed nâng lãi suất tăng lên, khiến tài sản bằng đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư tìm kiếm lợi tức.

Trong bài phát biểu hồi tháng 6/2015, Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer cho biết "Chúng tôi luôn lưu tâm đến khả năng ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác, kể cả thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển", đồng thời cảnh báo rằng, lãi suất của Mỹ "có thể khiến giới đầu tư điều chỉnh danh mục đầu tư, gây ra làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi thị trường mới nổi về nền kinh tế đang phát triển".

USD mạnh lên sẽ làm suy yếu đồng tiền các thị trường mới nổi và khiến các khoản nợ bằng USD trở nên đắt đỏ hơn khi thanh toán. Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương khi Mỹ nâng lãi suất. Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia của Mỹ cũng chịu tác động khi giá hàng xuất khẩu trở nên đắt hơn.

USD mạnh lên là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hoảng loạn hồi tháng 2 khi lo ngại về lợi nhuận của các công ty Mỹ, giá dầu thô và đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc khiến thị trường toàn cầu chao đảo.

Bất chấp đà tăng gần đây của USD, chỉ số Đôla Wall Street Journal vẫn thấp hơn 3,5% so với mức đỉnh đạt được hồi đầu năm nay. Hơn nữa, 80% đà tăng của chỉ số này trong tháng này là do đà lao dốc của bảng Anh, euro và yên. Đà suy yếu của đồng tiền các thị trường mới nổi cũng đóng góp 6% vào đà tăng của USD, tính đến hôm 12/10.

Win Thin, phụ trách chiến lược tiền tệ thị trường mới nổi tại Brown Brothers Harriman, nhận định, nếu Fed nâng lãi suất trong tháng 12, sẽ có áp lực, nhưng mức độ phụ thuộc vào thông điệp mà Fed phát ra. Nhiều nhà phân tích dự đoán mức tăng trong tháng 12 sẽ rất "chủ hòa" khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng cũng phát tín hiệu rằng số lần nâng trong tương lai sẽ ít hơn.

Nhật Trường

Nguồn WSJ