Thứ Ba | 06/09/2016 06:21

Đà tăng của giá dầu chững lại do hoài nghi về thỏa thuận sản lượng

Các quan chức năng lượng Nga và Arab Saudi đã nhất trí hơp tác để ổn định thị trường dầu thô, nhưng giới đầu tư vẫn hoài nghi.

Giá dầu phiên 5/9 mất đà tăng khi nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi rằng các nước sản xuất chủ chốt có thể nhất trí về các biện pháp kiềm chế tình trạng thừa cung đang kéo dài dai dẳng.

Đầu phiên, giá dầu tăng hơn 5% sau khi Arab Saudi và Nga đồng ý hợp tác ổn định thị trường dầu thô. Tuy nhiên, 2 bên vẫn chưa đưa ra được bất kỳ kế hoạch nào về việc hạn chế sản lượng.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 10/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,8% lên 44,24 USD/thùng.

Giá dầu Brent giao tháng 11/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,5% lên 47,53 USD/thùng.

Trước thềm phiên họp không chính thức của OPEC vào cuối tháng này, thỏa thuận Nga-Saudi đã làm tăng hy vọng rằng các nước sẽ nhất trí hạn chế sản lượng trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thừa cung.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra ở Trung Quốc hôm 5/9, bộ trưởng năng lượng của cả Nga và Arab Saudi cho biết sẽ thành lập “bộ phận chuyên trách” để theo dõi thị trường. Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih gọi thỏa thuận này là “bước tiến lớn” để ổn định giá dầu, trong khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hy vọng các nước sản xuất dầu thô khác sẽ hợp tác để ổn định thị trường.

Tuy nhiên, sau đó, ông Falih trong cuộc phỏng vấn với Al Arabiya cho rằng việc đóng băng sản lượng là không cần thiết vào thời điểm hiện nay.

Nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi về cơ hội đóng băng sản lượng nhất là khi OPEC đã từng không thể đạt được thỏa thuận này hồi tháng 4 do sự phản đối của Iran.

Việc Iran trở lại thị trường toàn cầu và Arab Saudi duy trì chiến lược giành và giữ thị phần là những trở ngại chính đối với thỏa thuận đóng băng sản lượng.

Nhật Trường

Nguồn WSJ