Thứ Hai | 20/05/2013 15:40

Đa số ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên tên nước

Theo các ý kiến góp ý, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi.
Chiều nay (20/5), Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình bày.

Về phương án tên nước, ông Phan Trung Lý cho biết, bên cạnh đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như hiện nay thì cũng có ý kiến đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc một số tên gọi khác.

Theo các ý kiến đề nghị giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là Việt Nam đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và gây phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.

Còn đối với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các ý kiến cho rằng tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945 và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Trước đó, tại buổi họp báo của Văn phòng Quốc hội diễn ra chiều 17/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, trong thời gian khi lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có ý kiến nhân dân đề xuất đổi tên nước nhưng đại đa số nhân dân vẫn đồng tình tên nước như hiện nay hiện nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Tuy nhiên, tại kỳ họp lần này, Ban soạn thảo sẽ trình ra Quốc hội thảo luận và cho ý kiến 2 phương án về tên nước là: “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Ông Phúc cho biết, Hiến pháp 1946 đã xác định tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tồn tại 30 năm cho đến năm 1976. Sau đó tên nước được đổi thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tồn tại cho đến nay đã được 37 năm.

“Đa số ý kiến nhân dân đồng tình với tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời phù hợp với định hướng, con đường mà chúng ta đã lựa chọn là đi lên Chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa tên này không có ảnh hưởng gì cả và Việt Nam đã có quan hệ với khoảng 200 nước với quốc hiệu này. Tôi thấy không có vấn đề gì lớn”, ông Phúc nhấn mạnh.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện