Thứ Bảy | 21/09/2013 19:56

Đà Nẵng tập trung vào làm đề án chính quyền đô thị

Theo đề án, lộ trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng gồm 3 giai đoạn.
Được chọn là một trong 2 địa phương của cả nước triển khai Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, thành phố Đà Nẵng đang tập trung hoàn thiện đề án.

Theo đề án, lộ trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ khi bắt đầu thực hiện thí điểm đến năm 2016 sẽ bỏ Hội đồng Nhân dân tại 11 xã thuộc huyện Hòa Vang, tăng số lượng đại biểu chuyên trách.

Bên cạnh 41 nhiệm vụ hiện hành, Hội đồng Nhân dân thành phố bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn như chủ động huy động và tổ chức các nguồn lực; ban hành một số chính sách, văn bản quy phạm nhằm điều chỉnh những vấn đề mới hoặc riêng có của thành phố để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Đây chính là ưu điểm nổi bật của Hội đồng Nhân dân thành phố trong mô hình chính quyền đô thị. Với mô hình hoạt động này, vai trò của Hội đồng Nhân dân thành phố được đề cao và xác định rõ vị trí là cơ quan đại diện của nhân dân; thể hiện tính chất tự chủ của chính quyền đô thị thành phố.

Trong giai đoạn 1, chính quyền vẫn phân 3 cấp như hiện nay với Ủy ban Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã; thực hiện cơ chế thủ trưởng hành chính đối với người đứng cầu các cơ quan trên.

Giai đoạn 2 (từ 2016-2021), chính quyền đô thị chỉ còn 2 cấp với Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố và Ủy ban Nhân dân phường, xã, giảm bớt Ủy ban Nhân dân quận, huyện; tăng dần thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.

Giai đoạn 3 thực hiện từ năm 2021 trở đi với việc chuyển từ chế độ lãnh đạo tập thể của Ủy ban Nhân dân thành phố sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm cá nhân của Thị trưởng thành phố. Đây là bước đột phá mạnh mẽ của mô hình chính quyền đô thị đối với các đô thị lớn của Việt Nam và hai đô thị được cho phép thí điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nói riêng.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng, việc hình thành mô hình chính quyền đô thị nhằm vào hai mục đích chính là phục vụ dân tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương thông suốt, tập trung hơn. Thành phố có nhiều đột phá trong các ngành, lĩnh vực; một số lĩnh vực như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư, đầu tư các công trình lớn do thành phố đảm nhiệm và thực hiện có hiệu quả.

Việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường ở Đà Nẵng thực hiện từ năm 2009 đến nay khá thành công, 84% người dân đồng ý không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường. Hoạt động giám sát được tăng cường, các chính sách được công khai, minh bạch hơn. Với trình độ quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ thành phố, hiện trạng kết cấu hạ tầng đô thị, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công vụ như hiện nay, Đà Nẵng có đủ điều kiện triển khai mô hình chính quyền đô thị chỉ có hai cấp ngay ở giai đoạn bắt đầu thí điểm.

Để phục vụ cho việc triển khai đề án, đến nay thành phố đã hoàn thành Dự thảo xây dựng hai phương thức hoạt động của Ủy ban Nhân dân thành phố. Theo đó, mô hình 1 gồm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và ủy viên thư ký; mô hình 2 gồm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, các ủy viên là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn.

Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, phường, xã trong mô hình chính quyền đô thị cũng được điều chỉnh. Riêng nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân quận, huyện giảm từ 47 xuống 29 nhiệm vụ. Đối với Ủy ban Nhân dân cấp phường, xã giảm từ 32 xuống 20 nhiệm vụ. Những nhiệm vụ được giảm sẽ do các cơ quan chuyên môn thành phố quản lý, bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất về ngành, lĩnh vực trên toàn địa bàn thành phố.

Ủy ban Nhân dân quận, huyện, xã, phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính, đứng đầu là Chủ tịch do Chủ tịch cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.

Trong giai đoạn 2 của đề án, bộ máy cơ quan hành chính sẽ giảm bớt Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện; chỉ còn lại Ủy ban Nhân dân phường, xã là cơ quan đại diện trực tiếp cho Ủy ban Nhân dân thành phố. Khi đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường sẽ do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trực tiếp bổ nhiệm.

Ở giai đoạn 3, cơ quan hành chính sẽ không tổ chức thành Ủy ban Nhân dân như hai giai đoạn trước mà chuyển sang cơ chế thị trưởng, tức là chuyển từ lãnh đạo tập thể của Ủy ban Nhân dân sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm cá nhân của thị trưởng (cơ chế thủ trưởng hành chính). Theo đó, thị trưởng do cử tri thành phố trực tiếp bầu và trực tiếp chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân thành phố và cơ quan hành chính cấp trên hoặc thị trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trực tiếp, chịu trách nhiện cá nhân trước người dân thành phố và Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn TTXVN


Sự kiện