Đà lao dốc của giá hàng hóa còn kéo dài bao lâu?
Nếu bạn thấy mệt mỏi về việc giá hàng hóa liên tục lao dốc, thì dưới đây lại là một số tin xấu. Đà lao dốc, bắt đầu từ năm 2011, sẽ còn kéo dài ít nhất thêm 2 năm nữa theo đúng chu kỳ của nhiều loại hàng hóa trong hơn 5 thập kỷ qua.
Tuy nhiên, tin tốt lành, theo nhà kinh tế học Julian Jessop tại Capital Economics, là giá hàng hóa đã giảm trong một thời gian dài và nếu kinh tế Trung Quốc dần hồi phục, đà lao dốc của giá hàng hóa sẽ sớm kết thúc.
Ông Jessop, trong biểu đồ dưới đây, sử dụng số liệu của IMF từ năm 1960 về nhiều loại hàng hóa khác nhau. Số liệu cho thấy đà giảm bình quân trong 7 năm. Trong suốt quá trình lao dốc này, giá hàng hóa bình quân giảm 40% từ mức đỉnh xuống vùng lõm.
Nhưng rõ ràng có nhiều biến thể trong biểu đồ, cả về thời gian của đà giảm và phạm vi sụt giảm.
Ông Jessop cho biết, đó là lý do tại sao “có thể nhầm lẫn” khi cho rằng đà giảm giá hiện nay có thể kéo dài ít nhất 2 năm nữa, nhất là đối với hàng hóa như dầu thô và đồng. Ông cũng cho rằng giá hàng hóa “đã giảm trong một thời gian dài”.
12 tháng qua là thời gian rất khó khăn đối với giá dầu thô và đồng. Giá đồng đã giảm hơn 55% so với mức đỉnh hồi năm 2011 trong khi giá dầu thô giảm gần 2/3. Đà giảm này đủ để “thúc đẩy sự phản ứng cung-cầu cần thiết cho sự hồi phục bền vững”, ông Jessop cho biết.
Không có gì đáng ngạc nhiên, chìa khóa có thể là Trung Quốc. Rốt cuộc, chính nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với nhiều loại hàng hóa - giúp thúc đẩy “siêu chu kỳ” - đã đẩy giá hàng hóa tăng chóng mặt từ năm 2004 đến 2011 và gây ra tình trạng thừa cung hiện nay.
Mặc dù còn nhiều lo ngại về cú hạ cánh cứng của Trung Quốc và đồng nội tệ của nước này có thể tiếp tục mất giá, nhưng Capital Economics vẫn tin tưởng rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đã bắt đầu vượt qua giai đoạn khó khăn dựa vào số liệu khảo sát hoạt động sản xuất và kỳ vọng “hỗ trợ chính sách”, giúp mang lại sự hồi phục tốt hơn dự đoán trong năm tới.
Nhật Trường
Nguồn MW