“Đã đến lúc nên ưu tiên hơn cho tăng trưởng”
Vì vậy, trong những tháng còn lại của năm, “các chính sách vĩ mô cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho năm 2013”.
Vẫn theo NFSC, để đạt được mục tiêu này, ngoài các giải pháp hỗ trợ thị trường thì cần có những giải pháp mạnh hơn nhằm tạo cầu thông qua các biện pháp đẩy mạnh tốc độ chi đầu tư công vào những công trình trọng điểm có qui mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014; tập trung vào việc bố trí vốn đối ứng ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, góp phần gia tăng vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Đối với chính sách tiền tệ, NFSC cho rằng cần nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống khoảng 10%/năm nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ qui định trần lãi suất huy động nhằm giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.
Trong khi đó, đối với chính sách tài khóa, cần sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng chi đầu tư công, tập trung vào hạ tầng cơ sở, những dự án dở dang có thể hoàn thiện sớm và đưa vào sử dụng; bố trí vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, nhất là các dự án có ảnh hưởng lan tỏa rộng.
Đánh giá về thị trường tiền tệ - ngân hàng trong 5 tháng đầu năm, NFSC cho rằng, do huy động của hệ thống tăng khá và tín dụng tăng chậm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào và không nhiều biến động. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cho kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhiều thời điểm trong tháng 5 đã tiếp tục hạ xuống dưới mức dưới 2%/năm so với mức phổ biến từ 3-4%/năm trong tháng 4.
“Điểm tích cực của thị trường hiện nay là hệ thống ngân hàng đang phát đi những tín hiệu cho thấy các ngân hàng thương mại có thể tự điều chỉnh lãi suất mà không cần đến sự can thiệp hành chính của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được ban hành ngày 10/5/2013, tuy trần lãi suất huy động vẫn được giữ không đổi nhưng trước đó Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã chủ động hạ lãi suất huy động VND các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống chỉ còn ở mức 5-6%/năm. Điều này tạo tiền đề cho Ngân hàng Nhà nước sớm có thể dỡ bỏ trần lãi suất trong thời gian tới”, báo cáo viết.
Nguồn Vneconomy