Đã có lộ trình cổ phần hoá 77 doanh nghiệp tại TPHCM
Cũng theo Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM vừa được phê duyệt thì trong thời gian tới, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước sẽ tiến hành cổ phần hoá 77 doanh nghiệp.
Trong đó, giai đoạn 2012 - 2015 sẽ cổ phần hoá 29 doanh nghiệp. Trong số này, Nhà nước chỉ giữ trên 50% vốn điều lệ tại 7 công ty TNHH một thành viên, gồm Cấp nước Trung An, Cấp nước Tân Hòa, Hãng Phim Nguyễn Đình Chiểu, Chiếu sáng công cộng, Công trình giao thông Sài Gòn, Công trình Cầu phà và Phát triển Khu công nghệ cao.
22 Công ty TNHH một thành viên còn lại, Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ, gồm Dệt may Gia Định, Xuất nhập khẩu Đầu tư Chợ Lớn, Dịch vụ Du lịch Bến Thành, Phát triển Nhà Bến Thành, Cảng sông thành phố, Đóng tàu An Phú, Đầu tư phát triển Thủ Thiêm, Vật phẩm Văn hóa, Dệt Sài Gòn, Dược phẩm - Sinh học y tế, Phát triển Khu Công nghiệp Sài Gòn, Giám định Rồng Vàng, Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Xây dựng Bình Minh, Xây dựng thương mại Sài Gòn 5, Địa ốc Bình Thạnh, Đầu tư Địa ốc Gia Định, Phát triển kinh doanh Nhà, Lâm nghiệp Sài Gòn, Tư vấn giao thông công chính, Công trình giao thông công chính, Xuất khẩu lao động và chuyên gia.
Sau năm 2015, TPHCM tiếp tục tiến hành cổ phần hoá 48 doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước vẫn giữ trên 50% vốn điều lệ tại 38 doanh nghiệp.
Đáng lưu ý là, sau năm 2015, ngoài việc giữ trên 50% vốn điều lệ tại 22 công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích thuộc các quận, huyện trên địa bàn TPHCM, Nhà nước vẫn tiếp tục giữ trên 50% vốn điều lệ tại nhiều doanh nghiệp chủ chốt khác, trong đó có 7 tổng công ty (Xây dựng Sài Gòn, Địa ốc Sài Gòn, Cấp nước Sài Gòn, Nông nghiệp Sài Gòn, Thương mại Sài Gòn, Du lịch Sài Gòn và Bến Thành) và 9 công ty TNHH một thành viên gồm Dược Sài Gòn, Công viên cây xanh, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC, Phát triển công viên phần mềm Quang Trung, Bò sữa TP. HCM, Cao su Thống Nhất, Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) và Dịch vụ du lịch Thủ Đức.
Khi tiến hành chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước trực thuộc TPHCM sau giai đoạn 2015, Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ trong 10 doanh nghiệp, trong đó có 3 tổng công ty (Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn và Tổng công ty Công nghiệp in bao bì Liksin) và 7 công ty TNHH một thành viên, gồm Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Xe khách Sài Gòn, Cảng Bến Nghé, Bến xe Miền Đông, Quản lý kinh doanh nhà, Dịch vụ du lịch Phú Thọ và Xuất nhập khẩu Nông lâm hải sản.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh giao UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo hoàn thành phương án sắp xếp của 25 doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn trước năm 2010, đang thực hiện quy trình bán, giải thể, phá sản...
Ngoài ra, UBND TPHCM phải làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trong việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Satra Tiền Giang và Satra Tây Nam khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2012.
Nguồn Báo Đầu tư