Du khách chọn đặt tour nội địa. Ảnh: Quý Hòa.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 10/09/2020 07:30

Cứu vãn du lịch lần thứ hai bằng "tour an toàn"

Không thể kích cầu ồ ạt, các công ty du lịch vẫn tiếp tục nỗ lực tổ chức các "tour an toàn" để cứu vãn tình hình đang rất bi đát.

Trong bối cảnh thị trường ảm đạm do dịch, dịp lễ 2.9 vừa qua đã tạo cơ hội để doanh nghiệp du lịch giới thiệu tour du lịch an toàn tới khách hàng, mang đến khả năng cải thiện doanh thu ở những tháng cuối năm 2020.

Thêm thời gian cầm cự

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing TST tourist, cho biết dịp lễ 2.9, Công ty đã triển khai được 7 đường tour 1-2 ngày bằng đường bộ. Tiêu chí tổ chức tour chọn lọc cao, du khách không đi qua và đến từ vùng dịch tễ, không nóng sốt và có dấu hiệu nhiễm virus cúm, ưu tiên khách hàng đã có chứng nhận kiểm tra COVID-19 âm tính.

Mỗi tour chỉ dưới 30 khách đối với xe 45 chỗ, dưới 20 khách đối với xe 30 chỗ bảo đảm khoảng cách an toàn. Dự kiến, TST tourist tiếp tục khai thác tour ngắn ngày, triển khai tour mùa thu với điểm đến chọn lọc, đạt tiêu chí an toàn. Trước lễ 2.9, Vietravel cũng giới thiệu khoảng 10 sản phẩm tour Combo TripU đến Phú Quốc và 14 sản phẩm tour Combo TripU đến Vũng Tàu; các sản phẩm nâng cấp kỳ nghỉ cuối tuần tại hệ thống khách sạn 5 sao ở khu vực TP.HCM với mức giảm đến 50% cũng được triển khai.

Ảnh: Vietravel.
Ảnh: Vietravel.

Theo các công ty lữ hành, dịp lễ 2.9 vẫn triển khai được tour tuyến nhờ chính sách khoanh vùng tập trung để dập dịch của Chính phủ. Điều này đã tạo nên vùng an toàn trong tâm lý du khách, thuận lợi để kích hoạt các sản phẩm tour dành cho du khách có nhu cầu du lịch nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 66,6% chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng năm 2019. Đại diện Hội đồng Chuyên gia du lịch UNWTO dự báo, theo kịch bản khả quan nhất, du lịch quốc tế chưa thể hồi phục trước thời điểm giữa năm 2021. Tại Việt Nam, đóng góp về doanh thu của du lịch nội địa chiếm khoảng 40-45%.

 

Khi có biến động, du lịch nội địa trở thành bộ phận “giảm xóc”, giúp các điểm đến có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cho cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần tính toán, cơ cấu lại thị trường, sản phẩm, phương thức marketing, tiếp cận khách hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường nội địa. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cùng một lượng không nhỏ đối tượng khách là những người nổi tiếng, doanh nhân, nghệ sĩ... vốn thích đi du lịch chất lượng cao ở nước ngoài là nguồn khách rất tiềm năng để khai thác du lịch nội địa.

Dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách du lịch. Làm nên sức cạnh tranh cho doanh nghiệp hiện nay chính là khả năng tổ chức tour an toàn. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch cần thực hiện nghiêm túc những khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế về phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, thực hiện khai báo y tế trực tuyến, cài đặt ứng dụng Bluezone... Nhiều người trong ngành cho rằng nếu dịch được khống chế như hiện tại, du khách có thể đi du lịch nhiều hơn từ tháng 10 tới. Tuy khó có thể đạt đỉnh như đợt sau giãn cách nhưng thị trường khách nội địa sẽ giúp một số doanh nghiệp có thêm thời gian cầm cự.

Lỗ chưa từng thấy

Để đảm bảo du lịch an toàn, quy trình vận hành sau dịch thay đổi rất nhiều. Hàng loạt yêu cầu về giãn cách, chống lây nhiễm... được siết chặt khiến nhà điều hành tour tại điểm đến cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới. Sự thay đổi này làm chi phí tăng cao nhưng doanh nghiệp không dám tăng giá bán tương ứng vì sợ mất khách. Biên lợi nhuận của mảng kinh doanh tour nội địa vốn đã siêu mỏng nay lại càng không có lời.

Thông báo về kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay của các công ty du lịch trên toàn quốc đều cho thấy những khoản lỗ chưa từng có. Tính chung nửa đầu năm, doanh thu của Vietravel giảm hơn 70%, còn 996 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 76 tỉ đồng. Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn báo lỗ trước thuế hơn 180 tỉ đồng. Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ báo lỗ sau thuế 144 tỉ đồng. Tập đoàn Thiên Minh lỗ ròng 242 tỉ đồng. Trực tiếp sở hữu và nắm giữ phần vốn góp tại không ít khách sạn vị trí đắc địa nhất thành phố Huế, Công ty Du lịch Hương Giang giảm 66% doanh thu trong nửa đầu năm, lợi nhuận âm 22,8 tỉ đồng, làm giảm 23% vốn điều lệ.

 

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM, tính đến ngày 17.8, khoảng 90-95% trong số 1.200 doanh nghiệp lữ hành của thành phố đã phải tạm ngừng hoạt động. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vietravel, cho biết nỗi lo lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp du lịch là đang bị mất dần nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực có tay nghề, như hướng dẫn viên, quản lý... Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và ngành du lịch khôi phục trở lại, các doanh nghiệp du lịch sẽ khó có đủ nhân lực để phục vụ thị trường.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, nhận định: “Đợt dịch lần 2 đang khiến tài chính của nhiều đơn vị cạn kiệt. Trong khi đó, tài chính là nguồn máu nuôi sống doanh nghiệp, hết máu thì doanh nghiệp sẽ không thể sống tiếp”.

Tại Đông Nam Á, các nước đều có những chương trình thúc đẩy du lịch nội địa song song với đảm bảo phòng dịch. Riêng tại Thái Lan, từ tháng 10, nước này sẽ cho phép khách du lịch nước ngoài đến thăm hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket với thời gian lưu trú dài ngày, bao gồm cả thời gian cách ly. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn mới đây dự kiến sẽ có 2 triệu du khách nước ngoài tới Thái Lan từ tháng 10.2020 đến tháng 3.2021, khi các khu vực khác của đất nước áp dụng những dàn xếp tương tự như Phuket.