Minh Anh Thứ Bảy | 23/05/2020 19:32

Cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler có mặt trong Hội đồng Quản trị Lộc Trời

Ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức chính thức ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Tập đoàn Lộc Trời.

Thông tin được đưa ra vào sáng ngày 23.5.2020, trong cuộc cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Lộc Trời. Ông Philipp Rösler sinh năm 1973 tại Sóc Trăng, sinh sống tại Đức. Năm 2009, ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức. Giai đoạn 2011-2014, ông trở thành Phó Thủ tướng Đức.

Hiện tại, ông Philipp Rösler đang nắm vị trí thành viên Hội đồng Quản trị của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới và nay được chính Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn mời vào vị trí Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Lộc Trời (LTG). "Tôi muốn đóng góp để đem lại lợi ích cho Lộc Trời và cả Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng là nông nghiệp. Việt Nam đang có cơ hội khi đã ký được các hiệp định thương mại tự do", ông Philipp Rösler chia sẻ.

Trước đó năm 2019, LTG cũng đã mời được Chủ tịch Nutifood Trần Thanh Hải và ông Mark Peacook vào vị trí Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập. Gây nhiều chú ý, LTG còn đề cử ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) tham gia đảm nhiệm vị trí Quan sát viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2019-2024.

Ảnh:
Năm 2020, Lộc Trời tiến hành tái cấu trúc. Ảnh: Lộc Trời

Được biết, năm 2020 sẽ là giai đoạn LTG tiến hành tái cấu trúc, áp dụng công nghệ vào vận hành (đơn cử ký kết triển khai hệ thống ERP), hướng đến doanh nghiệp dịch vụ trị giá tỉ USD vào năm 2024. Cũng tại Đại hội, Công ty thông qua việc bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới là ông Nguyễn Duy Thuận, thay thế cho ông Huỳnh Văn Thòn. Cũng trong cuộc họp, Ban lãnh đạo Lộc Trời trình cổ đông việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mới là sản xuất điện, chi tiết sản xuất điện.

Hội đồng Quản trị cho biết hiện nay Công ty gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, không thuận lợi để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Do đó, Hội đồng Quản trị trình cổ đông gia hạn thời gian dự kiến hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2022 với điều kiện được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Năm 2020, Lộc Trời đặt kế hoạch 7.352 tỉ đồng doanh thu, giảm 15,6% so với cùng kỳ, tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 7,45% từ 335 tỉ lên 360 tỉ đồng. Trong quý 1, Công ty lỗ 37 tỉ đồng.

Kế hoạch kinh doanh của Lộc Trời trong 2020.
Kế hoạch kinh doanh của Lộc Trời trong 2020.

Quý I, doanh thu của Lộc Trời giảm hơn phân nửa xuống 733 tỉ đồng, chủ yếu do doanh thu ngành thuốc bảo vệ thực vật và ngành lương thực giảm dưới tác động của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thay đổi cơ cấu đại lý và chính sách bán hàng ngành thuốc, thay đổi trong chính sách điều hành của Chính phủ liên quan đến xuất khẩu gạo.

Doanh thu của các ngành đều giảm
Doanh thu trong lĩnh vực xuất khẩu giảm nhiều nhất với 73% và nội địa 15%.

Cụ thể, ngành lương thực ghi nhận doanh thu xuất khẩu giảm 73% và nội địa giảm 15%. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo chính của Lộc Trời, chiếm 56% doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh thu thị trường này cũng giảm do không thỏa thuận được giá bán với các nhà nhập khẩu, giá bán hầu hết ở mức thấp trong tương quan giá mua lúa nguyên liệu đã tăng từ đầu quý I.

Doanh thu ngành thuốc cũng giảm
Doanh thu ngành thuốc cũng giảm 65%.

Doanh thu ngành thuốc giảm 65%, giảm mạnh nhất là nhóm thuốc bệnh và thuốc sâu. Do quý IV/2019, các đại lý đã nhập hàng theo kế hoạch bình thường không tính đến tác động dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu làm tồn kho tăng cao, Công ty đã hỗ trợ để giải phóng hàng tồn thay vì theo đuổi mục tiêu doanh số. Dự kiến quý II khi lượng tồn kho giảm, các đại lý sẽ đẩy mạnh nhập hàng mới.

Doanh thu ngành giảm ít nhất với 8%.
Doanh thu ngành giống giảm ít nhất với 8%.

Ngành giống của doanh nghiệp cũng giảm 8% do nhu cầu thị trường giảm. Đơn vị lý giải kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm làm thu nhập của nông dân giảm và khả năng tài chính để đầu tư cho các vụ gieo trồng tiếp theo giảm. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến nhu cầu về giống theo hướng gia tăng các sản phẩm có đặc tính chịu hạn, mặn, năng suất cao.