Cuối tháng 7 trình ký ban hành thông tư trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán
Đối với việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán, vị đại diện Ủy ban chứng khoán cho biết dự thảo thông tư lần này sẽ đưa ra nhiều cấp bậc khác nhau với các loại chứng khoán để làm căn cứ trích lập dự phòng giảm giá do thị trường vẫn chưa xác lập được giá tham chiếu tốt để làm căn cứ xác định. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã có ý kiến sơ bộ và cuối tháng này sẽ trình Bộ ký ban hành.
Vấn đề được phóng viên đề cập trong cuộc họp báo chiều này là do kể từ thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động vào năm 2000 cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có văn bản pháp lý nào quy định về chế độ trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết (OTC) áp dụng với các CTCK.
Việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đối với các doanh nghiệp khác được tính toán dựa trên số lượng chứng khoán nhân với chênh lệch giá hạch toán trên sổ sách trừ đi giá trị thị trường.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính trong các văn bản pháp lý hiện hành loại CTCK ra khỏi đối tượng được phép trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC. Các quy định này nêu rõ, CTCK sẽ tiến hành trích lập theo quy định riêng.
Trên thực tế, một số CTCK tìm cách trích lập giảm giá chứng khoán OTC mang tính nội bộ trong khi rất nhiều CTCK không trích lập. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trường hợp CTCK nào trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC mà loại khoản trích lập này ra khỏi lợi nhuận tính thuế thì không được cơ quan thuế chấp nhận..
Như trường hợp của Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM (HSC) năm 2011 phải nộp thêm 19 tỷ đồng tiền thuế do loại khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC cho năm 2007 và 2008 với giá trị gần 120 tỷ đồng.
Liên quan tới mô hình quỹ hưu trí bảo hiểm bổ sung, mô hình này phải có thời gian nghiên cứu cụ thể. Từ nay đến cuối năm, Ủy ban chứng khoán sẽ hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền Quốc tế (IMF) để nghiên cứu mô hình này và dự kiến trình Chính phủ vào quý I/2015.
Nguồn Theo DVO