Cuối năm, lãi suất cho vay giảm chậm
Đầu vào giảm mạnh
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều chỉnh trần lãi suất về 5,5%/năm, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Lãi suất kỳ hạn dài nhất cũng chỉ ở mức 7%/năm, so với 8%/năm trước đây.
Một số ngân hàng thương mại như Techcombank, VIB, ABBank, Sacombank, BacABank, MB vừa giảm tiếp lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8 -1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,7 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất ở mức 6,8 - 7,5%/năm. Với USD, lãi suất huy động chỉ 0,75%/năm đối với tiền gửi của dân cư và ở mức 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức.
Theo NHNN, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 0,1 - 0,5%/năm so với thời điểm trước khi điều chỉnh trần lãi suất, nhưng nguồn tiền tiết kiệm vẫn chảy mạnh vào ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các ngân hàng đều cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, dù lãi suất đã xuống thấp, nhưng nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng vẫn lớn, bởi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả, trong bối cảnh thị trường vàng ảm đạm và giá liên tục giảm, thị trường chứng khoán chứa đựng nhiều rủi ro, trong khi bất động sản chưa thực sự phục hồi.
“Lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm, song nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn không giảm, thậm chí còn tăng”, đại diện Techcombank nói và cho biết thêm, xu hướng của khách hàng hiện nay là lựa chọn gửi kỳ hạn dài nhiều hơn so là kỳ hạn ngắn.
Tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam nhận định, trước bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thực sự khởi sắc và trầm lắng, lãi suất tiết kiệm 5,5%/năm vẫn được nhiều người lựa chọn. Vì thế, nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng tăng và thực tế cho thấy, tổng vốn huy động của ngân hàng vẫn tăng đều trong những tháng qua. Huy động vốn toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 27/11 tăng 13,33% so với cuối năm 2013. Trong đó, huy động vốn VND tăng 14,74%, chủ yếu ở khu vực dân cư.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi. Chẳng hạn, OceanBank triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất 6,99%/năm trong 3 tháng đầu dành cho doanh nghiệp từ nay đến hết tháng 3/2015; NCB dành 980 tỷ đồng cho vay ngắn hạn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ngắn hạn 6,5%/năm, trung hạn tối đa 9,5 - 11%/năm;
Sacombank tham gia chương trình bình ổn thị trường 2014 của UBND TP. HCM và Sở Công thương triển khai nguồn vốn ưu đãi 1.500 tỷ đồng dành cho đối tượng là doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và nhà cung ứng, lãi suất 5,5%/năm…; lãi suất 7%/năm là ưu đãi của Ngân hàng ACB dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay dịp cuối năm 2014 và đón mùa kinh doanh lễ Tết 2015.
Đầu ra vẫn nhỏ giọt
Theo thông tin từ NHNN TP. HCM cho biết, đến cuối tháng 12/2014, mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3%/năm so với cuối năm 2013. Lãi suất của các khoản vay cũ được các TCTD tích cực giảm. Cụ thể, đến cuối 2014, không còn dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm. Dư nợ có lãi suất cho vay trên 13%/năm ước chiếm 15% tổng dư nợ cho vay bằng VND. Dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố ước đến cuối 2014, ước tăng 11%, thấp hơn 1% so với chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Vốn rẻ ngân hàng chỉ tìm đến những doanh nghiệp có “sức khỏe” tốt.
Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và kinh doanh gia súc, gia cầm (quận 12, TP. HCM) cho biết, để tiếp cận được nguồn vốn bình ổn thị trường lãi suất 5,5%/năm hiện nay là điều quá khó khăn đối với công ty, cho dù đơn vị này đang kinh doanh mặt hàng bình ổn.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu mỹ nghệ cho rằng, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện nay rất yếu, dẫn đến việc dòng vốn được các ngân hàng tập trung nhiều vào kênh trái phiếu…, trong khi đó, để tiếp cận được nguồn vốn rẻ như công bố từ phía các ngân hàng là điều rất khó đối với doanh nghiệp khi tình hình nợ xấu vẫn có xu hướng tăng hiện nay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, cho đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn Thành phố còn gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận gói vốn 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bất động sản, kể cả với doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở xã hội. Thế nhưng, để vay vốn của các ngân hàng thương mại triển khai, hoàn tất dự án, theo ông Châu, áp lực lãi suất đối với các doanh nghiệp này là không nhỏ, bởi nguồn vốn bất động sản chủ yếu là vốn trung, dài hạn, trong khi với loại tín dụng này, mức lãi suất phổ biến của ngân hàng hiện khoảng 12 - 13%/năm.
“Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 8%/năm, vốn trung và dài hạn ở mức 10 - 12%/năm, nhưng mức lại suất này cũng chỉ được ngân hàng áp dụng cho doanh nghiệp sức khỏe tốt, trong khi, các doanh nghiệp này không có nhu cầu vay”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan nói và cho rằng, doanh nghiệp lớn hiện không còn khó khăn tiếp cận vốn vay cũng như áp lực lãi suất đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy, không phải nhu cầu vốn doanh nghiệp giảm vì lãi suất, mà cái khó đó chính là sức tiêu thụ của thị trường chưa được cải thiện, khiến tồn kho vẫn tăng.
Nguồn Báo Đầu Tư