Cuối 2017 xong báo cáo, 2019 khởi công sân bay Long Thành
Đây là thông tin tại báo cáo về tình hình triển khai nghị quyết của Quốc hội về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, mà Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu, dự án sân bay Long Thành cần được Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi từng giai đoạn trước khi quyết định đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng - người ký báo cáo - trong giai đoạn hiện nay của dự án (giai đoạn chuẩn bị), có hai nội dung trọng tâm cần được tập trung, gấp rút triển khai.
Một là công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 1 của dự án, và hai là lập phương án, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Với công việc thứ nhất, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và cho phép sử dụng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1.
Ông Thăng thông tin thêm là vào tháng 7/2015, Chính phủ Nhật Bản bày tỏ mong muốn được hỗ trợ Việt Nam thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án và đã đặt vấn đề về khả năng tài trợ thực hiện nghiên cứu khả thi cho riêng hạng mục nhà ga hành khách của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, trị giá khoảng 4,3 triệu USD .
Chính phủ đang xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục làm việc với phía Nhật Bản về phương án sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại nêu trên để góp phần giảm bớt gánh nặng về vốn trong nước trong công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, báo cáo cho biết.
Bộ trưởng cũng nói rõ điều kiện việc tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ của Chính phủ Nhật Bản phải thực hiện theo quy định hiện hành và đảm bảo đồng bộ với việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho các hạng mục khác của dự án.
Việc tiếp nhận viện trợ cũng không làm phía Việt Nam bị động trong việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư của dự án này.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ACV trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần nghiên cứu và đề xuất các phương án huy động nguồn vốn phù hợp và khả thi để đầu tư dự án, trong đó có nguồn vốn ODA và các hình thức đầu tư phù hợp, báo cáo nêu rõ.
Công việc trọng tâm thứ hai là lập phương án, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án cũng được Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, hiện Chính phủ đang xem xét việc tách dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phù hợp với quy định của pháp luật.
Trước mắt, dự kiến sẽ xây dựng hạ tầng, tái định cư để có thể giải phóng mặt bằng khoảng 2.750 ha trong giai đoạn 1 của dự án.
Đồng thời, xem xét phương án triển khai các gói thầu đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (khoảng 282 ha) để kịp thời bố trí cho các hộ dân phải giải tỏa toàn bộ theo đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải.
Nguồn Vneconomy