Cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt tạo hiệu ứng lan tỏa
Doanh nghiệp cũng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc đầu tư cải tiến phương thức sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, quảng bá và phân phối hàng Việt tại thị trường nội địa cũng như quốc tế.
Hình thành chuỗi cung ứng
Với tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90% cơ cấu hàng hóa, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã trở hiện thành đơn vị dẫn đầu và khẳng định vai trò phát triển mạnh mẽ xu hướng kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt không chỉ ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh mà ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Tại hệ thống bán lẻ này, ngành hàng thực phẩm kinh doanh với gần 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 95% đã góp phần thúc đẩy sản xuất nội địa và tạo việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, việc cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, dự trữ vật tư, con giống… đã tạo sự an tâm cho các hộ nông dân, xã viên Hợp tác xã khi hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng của Saigon Co.op.
Vì vậy, hàng hóa kinh doanh tại những hệ thống của Saigon Co.op luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, được người tiêu dùng tin tưởng và ngày càng thu hút được nhiều khách hàng.
Ngoài Saigon Co.op, tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có nhiều đơn vị bán lẻ khác cũng không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối mạnh, góp phần triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đi vào chiều sâu như Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) và mạng lưới các chợ truyền thống gồm Bến Thành, Phạm Văn Hai…
Đại diện Tổng Công ty SATRA chia sẻ SATRA đã và đang phát triển hệ thống thương mại bán lẻ văn minh, hiện đại theo hệ thống chuỗi gồm Trung tâm Thương mại SATRA, siêu thị Sài Gòn, cửa hàng thực phẩm tiện lợi SATRA Food… SATRA hiện đang tích cực chuẩn bị thành lập Trung tâm phân phối, logistic và được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng mới cho thị phần bán lẻ của đơn vị này và ngành bán lẻ Việ Nam .
Qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," với các giải pháp bao gồm truyền thông, kết nối sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường quản lý thị trường, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều mạng lưới phân phối mạnh trong xúc tiến tiêu thụ hàng Việt.
Theo Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, từ chương trình này doanh nghiệp thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm ra những giải pháp mới bổ sung vào giải pháp truyền thống. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp thành phố ngày càng triển khai nhiều chương trình tiêu dùng hàng Việt không chỉ phục vụ người tiêu dùng thành thị mà cả người dân nông thôn và người lao động có thu nhập thấp.
Giải quyết đầu ra cho hàng hóa
Kết quả khảo sát trong năm 2014 cho thấy, có 96% nhân dân quan tâm đến Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 73,43% khẳng định khi mua hàng hóa thì hàng Việt là ưu tiên lựa chọn hàng đầu; 62,80% cho biết đã khuyên người thân, bạn bè, người quen mua hàng Việt.
Đặc biệt, có 28,15% người được khảo sát cho biết, trước đây thường mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, nhưng hiện nay đã thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
So với 5 năm trước, tỷ lệ mua sắm, trang bị các đồ dùng trong gia đình là hàng Việt của người dân đã tăng từ 50% lên 85,8%; đồng thời có khoảng 52,5% người tham gia khảo sát luôn ưu tiên trên 80% mua sắm trang bị đồ dùng là hàng Việt.
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ hàng Việt Nam trong tổng số hàng hóa bày bán tại các siêu thị, cửa hàng thuộc những hệ thống thương mại lớn trên địa bàn thành phố đạt bình quân khoảng 90%.
Hoạt động kết nối doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ được thực hiện trên địa bàn thành phố thông qua Chương trình Hợp tác thương mại với các tỉnh, thành phố miền Đông, miền Tây Nam bộ đã góp phần tạo nguồn hàng, phát triển mang lưới phân phối, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, giải quyết đầu ra cho hàng hóa, đặc sản địa phương.
Tính đến nay, Chương trình Hợp tác thương mại này đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, tạo được hiệu ứng lan tỏa và trở thành mô hình được nhiều địa phương khác áp dụng.
Vừa qua Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư của 25 tỉnh, thành phố phía Nam đã ký kết hợp tác, trong đó có Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC).
Chương trình này được thực hiện từ nay cho đến hết năm 2020, chủ yếu tập trung vào các nội dung chính gồm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển hàng hóa và dịch vụ là thế mạnh của mỗi địa phương; phối hợp trong hoạt động xúc tiến đầu tư; huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ; kết nối thông tin, truyền thông.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm ITPC cho biết các trung tâm thống nhất cam kết triển khai, giới thiệu doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư và làm cầu nối cho đơn vị sản xuất, kinh doanh tìm kiếm đối tác, cơ hội làm ăn ở các tỉnh, thành trong khu vực.
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, thành phố đã tập trung vào các thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia, Myanmar và một số thị trường khác gồm Singapore, Liên bang Nga… nhằm quảng bá, tiếp thị hàng Việt Nam và kết nối với doanh nghiệp nước sở tại.
Nguồn Vietnam+