Cuộc “tháo chạy” vẫn còn tiếp diễn
Đầu năm 2012, 3 Công ty chứng khoán Đông Dương, Hà Nội và Trường Sơn là những DN đầu tiên rút tư cách thành viên tại 2 sở giao dịch. Tiếp đó là Chứng khoán SME sau những bê bối pháp lý của lãnh đạo. Chứng khoán Âu Việt sau khi lỗ lũy kế lên tới 151 tỷ đồng cũng đã chính thức giã từ sân chơi chứng khoán sau đại hội cổ đông lần cuối tổ chức vào 20/3 vừa qua, cổ phiếu công ty sau đó cũng bị hủy niêm yết.
Chứng khoán Chợ Lớn cũng đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng trước khi nói lời... tạm biệt. Hiện tại đây chỉ còn 7 nhân sự, chủ yếu là hội đồng quản trị cùng ban điều hành công ty. Một số công ty gặp biến cố trên thị trường trong thời gian qua còn có Chứng khoán An Phát, Chứng khoán Liên Việt tự nguyện xin chấm dứt tư cách thành viên tại 2 sở giao dịch.
Từng nằm trong Top 5 công ty có thị phần môi giới lớn trên TTCK, nhưng 2 năm trở lại đây chứng khoán SBS liên tục lỗ. DN rơi vào khủng hoảng toàn diện và đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Ngày 25/3, cổ phiếu của công ty đã bị hủy niêm yết bắt buộc.
Trước những băn khoăn của dư luận về việc hàng loạt các công ty chứng khoán “bỏ cuộc chơi” liệu có ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, con số những công ty chứng khoán rời khỏi thị trường sẽ không dừng lại, và những cuộc “tháo chạy” sẽ còn tiếp diễn trong năm 2013. Và việc các công ty chứng khoán biến mất cũng sẽ là cơ hội để TTCK lành mạnh hơn.
Ông Hoàng Công Tuấn và ông Trần Hoàng Sơn, chuyên viên cao cấp khối Chiến lược TTCK MB đã có cuộc trao đổi với báo chí về những cuộc “tháo chạy” trên TTCK.
Ông Hoàng Công Tuấn: Việc “đóng cửa” là tất yếu
Thời gian gần đây, hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) đã đóng cửa. Quan điểm của ông về thông tin này như thế nào?
Trên thực tế, sau giai đoạn tăng trưởng “nóng” với sự ra đời của hàng loạt các CTCK trong những năm 2006-2007, số lượng các CTCK trên thị trường đã rất lớn (105 công ty) trong khi quy mô của thị trường không phát triển tương xứng do đó mức độ cạnh tranh trong ngành tại các mảng nghiệp vụ chính của các CTCK như môi giới, tư vấn và bảo lãnh phát hành đã trở nên hết sức gay gắt. Các CTCK nhỏ, thành lập vội vàng không chuẩn bị đầy đủ về năng lực tài chính và chất lượng nhân lực khó có thể tiếp tục tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
Sau một loạt vụ việc tiêu cực xảy ra tại các CTCK nhỏ như SME, TAS, Liên Việt… các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn trong việc lựa chọn các CTCK và sẽ tìm đến các CTCK hàng đầu có thương hiệu, uy tín và sức khỏe tài chính lành mạnh.
Do đó, thị phần các mảng dịch vụ chứng khoán trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung cao hơn cho các CTCK hàng đầu và các CTCK nhỏ sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, sự đóng cửa các CTCK hoạt động không hiệu quả là tất yếu và sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần.
Việc các CTCK rút khỏi thị trường có ảnh hưởng gì không thưa ông?
Về tổng thể, điều này tốt cho nền kinh tế nói chung khi nguồn lực toàn xã hội được phân bổ vào các lĩnh vực hiệu quả hơn.
Theo ông bây giờ có phải là thời điểm khó khăn nhất của TTCK Việt Nam trong 12 năm qua?
Theo tôi thời điểm khó khăn nhất của TTCK đã qua khi nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng đã chạm đáy trong năm 2012. Các số liệu về tăng trưởng GDP, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng tín dụng và hàng tồn kho của doanh nghiệp trong quý I-2013 đều có xu hướng cải thiện so với cùng kỳ. Với sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế trong năm 2013 (mặc dù mức độ cải thiện là nhỏ) TTCK hứa hẹn sẽ khởi sắc trong các năm tới.
Theo ông các nhà đầu tư cần phải làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Các nhà đầu tư muốn có được sự thành công lâu dài trên TTCK cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về kinh tế vĩ mô, phân tích tài chính và hiểu biết sâu sắc về tình hình kinh doanh mà DN mình muốn đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu tư cần xây dựng cho mình một hệ thống phân tích đầu tư riêng và tuân thủ các nguyên tắc kỷ luật đầu tư do chính mình đặt ra.
Ông có cho rằng TTCK Việt Nam có thể tăng trưởng trong thời gian tới?
Quan điểm của tôi là TTCK có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai tuy nhiên sự tăng trưởng này sẽ không quá nhanh, phù hợp với tốc độ hồi phục của nền kinh tế.
Ông có nhìn nhận như thế nào về dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây?
- Thực tế, việc một số nhà đầu tư ngoại có các hoạt động như xem xét và cơ cấu lại danh mục là hoạt động hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, các thị trường mới nổi (Emerging Market) trong thời điểm cuối 2012 và đầu 2013 đã thu hút được sự quan tâm chú ý của các Quỹ đầu tư chỉ số (ETFs).
Trong đó các nước như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Columbia, Việt Nam... là các thị trường mới nổi được quan tâm và thu hút khá tốt dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Thể hiện rõ nét nhất thông qua TTCK khi TTCK các nước Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Columbia, Việt Nam… đều bắt đầu tăng mạnh từ thời điểm cuối 2012 kéo dài đến gần hết quý I-2013.
Theo số liệu cụ thể từ Bloomberg, dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài trong 4 tháng gần đây (kể từ sóng tăng từ tháng 12/2012) Việt Nam đón nhận khoảng 246 triệu USD (bình quân mỗi tháng 61,5 triệu USD) vào thị trường. Còn kể từ đầu năm 2013 đến nay, tổng vốn ròng nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam (HSX) là 190,2 triệu USD tăng 447.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số chứng tỏ dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vẫn duy trì khá tốt và không có dấu hiệu rút ra khỏi TTCK Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Sơn: Cần thúc đẩy sự minh bạch thông tin
Nhìn lại TTCK Việt Nam 12 năm qua, ông có đánh giá như thế nào? Dự đoán của ông về TTCK Việt Nam năm 2013 và trong những năm tới?
Tôi cho rằng TTCK Việt Nam còn khá non trẻ so với các TTCK trong khu vực chứ chưa nói thế giới. Tại thời điểm hiện tại, mức vốn hóa toàn thị trường mới chỉ tương đương 30% GDP là con số vẫn còn khiêm tốn chưa thực sự thể hiện được vai trò là kênh dẫn vốn trong nền kinh tế. Tại những thị trường đã tồn tại lâu đời như Mỹ, mức vốn hóa/GDP thường dao động trên 100% - 105% và cao hơn.
Về số lượng tài khoản, tính đến cuối năm 2012 chúng ta mới có 1,26 triệu tài khoản chứng khoán trong đó nhà đầu tư trong nước chiếm trên 98% so với dân số 90 triệu người thì mức độ phổ rộng của TTCK vẫn chưa nhiều. Trong số đó, nhiều tài khoản không có giao dịch nên con số cũng đã phần nào phản ánh được quy mô và số lượng nhà đầu tư vẫn còn khá nhỏ.
Tôi cho rằng, TTCK đã và đang phản ánh những khó khăn thách thức của nền kinh tế trong thời gian qua. Năm 2013, mặc dù còn nhiều thách thức và tồn tại nhưng những khó khăn nhất đã dần qua đi, kinh tế đã chạm đáy và đi lên mặc dù chậm. Do đó, tôi tin tưởng rằng TTCK Việt Nam có thể tiếp tục có khởi sắc trong năm nay bởi kỳ vọng của thị trường thường đi trước diễn biến hồi phục của nền kinh tế từ 3-6 tháng.
Theo ông, Nhà nước cần hỗ trợ như thế nào để TTCK khởi sắc?
Ở thị trường nào cũng vậy, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò định hướng chính sách để thị trường tiếp tục phát triển ổn định và bền vững. Đối với TTCK Việt Nam, điều cần thiết nhất các cơ quan Nhà nước cần thúc đẩy sự minh bạch thông tin trên thị trường, tạo nên các sản phẩm mới như các công cụ phát sinh qua đó gia tăng sự hấp dẫn và tính thanh khoản cho thị trường, đưa tổng giá trị vốn hóa tăng lên trong những năm tới.
Bằng cách đẩy mạnh quá trình chuyển đổi, sắp xếp lại DN Nhà nước theo hướng sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa nhằm làm lành mạnh quá trình quản lý vốn Nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả của khối doanh nghiệp này cũng là một biện pháp nhằm tăng mức vốn hóa thị trường và lành mạnh hóa hệ thống tài chính.
Hướng tới xã hội hóa chứng khoán, coi chứng khoán là một kênh đầu tư an toàn, hiệu quả cho nhà đầu tư cá nhân và là một kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần có cơ chế kiểm soát chất lượng đầu vào của các DN muốn niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch và chất lượng “hàng hóa” cho thị trường nhằm hạn chế những DN yếu kém đối mặt với các nguy cơ phá sản, giải thể buộc phải hủy niêm yết ảnh hưởng đến lợi nhuận và niềm tin của giới đầu tư.
(Theo TBNH)