Thị trường chăn nuôi Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Nguồn ảnh: Thời báo ngân hàng.
Cuộc đổ bộ của doanh nghiệp ngoại vào ngành chăn nuôi Việt
Nhiều doanh nghiệp nội gặp khó
Dịch tả heo châu Phi đang khiến nhiều doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam đứng ngồi không yên. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đang tìm giải pháp tiêu thụ ra thị trường khi nhiều hộ gia đình vẫn nói “không” với thịt heo.
Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị của đàn lợn hiện nay đang chiếm 52% toàn ngành chăn nuôi; 1,2% ngành nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi hiện đã lan ra khắp 23 tỉnh, thành phố của Việt Nam khiến 82.000 con heo bị tiêu hủy. Dự báo trong quý II, dịch tả heo châu Phi sẽ tiếp tục làm giảm 1,3% giá trị của ngành chăn nuôi so với kịch bản. Nhiều doanh nghiệp có hoạt động chăn nuôi heo cũng đã, đang và có nguy cơ chịu nhiều thiệt hại trực tiếp cũng như gián tiếp từ dịch tả heo Châu Phi.
Trong đại hội cổ đông vừa diễn ra, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG), ông Trần Đình Long cho biết đến tháng 3 vừa qua mảng chăn nuôi đã hết lãi vì dịch tả heo châu Phi, nếu tình hình dịch tiếp tục thì mảng này của Hòa Phát còn có thể thua lỗ.
Nếu như mảng chăn nuôi heo đối với đại gia thép Hòa Phát chỉ là nghề "tay trái" thì với CTCP Tập đoàn Dabaco (HNX: DBC), cùng với sản xuất thức ăn, chăn nuôi là "miếng cơm manh áo" của doanh nghiệp này.
Trong báo cáo phân tích mới đây về Dabaco, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo doanh thu của Dabaco trong năm 2019 đạt khoảng 7.614 tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2018, nhưng lợi nhuận giảm 23% xuống còn 276 tỉ đồng do tác động của dịch heo châu Phi.
Trước đó, Dabaco vừa mới thoát được khó khăn trong 2017 khi giá heo sụt giảm và vừa mới khắc phục được trong ba quý cuối năm 2018 thì năm nay lại tiếp tục gặp dịch heo châu Phi. Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco, năm 2019 ngành chăn nuôi còn nhiều khó khăn, dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của Công ty.
Theo dự báo của BVSC, sản lượng thức ăn chăn nuôi cho heo trong năm 2019 của Dabaco có thể giảm 5% do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, mảng gà có thể tăng lên để thay thế cho khó khăn của Công ty.
Cũng tham gia mảng chăn nuôi, Masan cho biết, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại miền Bắc, giá heo hơi đã giảm khoảng 18% còn 39.000 đồng/kg. Dựa theo khảo sát nội bộ, ban lãnh đạo thống kê lượng heo thịt bán ra mỗi ngày tại Hà Nội ở một vài điểm bán đã giảm 30% kể từ khi có dịch bệnh. Ban lãnh đạo Masan cũng đã chia sẻ rằng công ty sẽ phải dự phòng khoảng 100 tỉ đồng cho tình huống xấu nhất là nếu trang trại của công ty bị lây nhiễm bệnh và phải tiêu hủy đàn heo.
Ngoại vẫn sốt sắng
Dù khó khăn là thế, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi quốc tế. Theo Cục Chăn nuôi, năm 2018, toàn ngành tăng trưởng ấn tượng, giá trị ngành chăn nuôi chiếm trên 5% GDP, sản phẩm chăn nuôi bắt đầu xuất sang các thị trường... Ước năm 2018, xuất khẩu khoảng 500 - 550 triệu USD sản phẩm chăn nuôi gồm: thịt lợn sữa các loại đông lạnh, trứng vịt muối, mật ong, sữa và các sản phẩm từ sữa; khoảng 400 - 450 triệu USD nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Với mong muốn bành truớng thị truờng và tận dụng ngành thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, New Hope, một tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng có kế hoạch đổ bộ vào Việt Nam. Theo đó, đơn vị này sẽ đầu tư hơn 1,1 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 163,51 triệu USD) vào các trang trại nuôi heo, với mong muốn nâng cấp ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam.
Các trang trại sẽ nằm ở các tỉnh Thanh Hóa, Bình Phước và Bình Định, sẽ cho xuất chuồng tổng cộng 930.000 con heo mỗi năm khi việc xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2021. Khoản đầu tư này sẽ đưa công ty trở thành người dẫn đầu trong tám công ty thức ăn chăn nuôi hiện có tại Việt Nam, vốn đã bán hơn 700.000 tấn thức ăn trong năm 2018.
Bên cạnh đó, tập đoàn Charoen Pokphand Food (CP Food) của Thái Lan đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Ông Montri Suwanposri, CEO của CP Vietnam, một đơn vị của CP Food, cho biết đến nay công ty ông đã đầu tư tổng cộng 1 tỉ USD vào Việt Nam kể từ năm 1993.
Đầu tư của CP Food là ví dụ mới nhất về việc các công ty Thái Lan mở rộng sang các nước láng giềng có tiềm năng tăng trưởng. Xu hướng này đang nuôi dưỡng một loạt các ngành công nghiệp ở khu vực sông Mê Kông.
CP Foods sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chiếm 15% trong tổng doanh thu của công ty, bằng cách đầu tư thêm vào các nhà máy chế biến thịt. Cụ thể, nhà máy chế biến gia cầm hoàn thành sẽ có công suất chế biến 1 triệu con gà mỗi tuần.
Nhà phân tích tại Bualuang Securities, một công ty chứng khoán hàng đầu ở Thái Lan nhận định, "CP Foods sẽ biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu, để hưởng đặc quyền thuế và xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu thông qua CPTPP”.
Giám đốc điều hành CP Việt Nam Montri, cho biết Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan về xuất khẩu. Việt Nam cũng có chi phí lao động thấp hơn. Với sự tham gia của các đối thủ ngoại, các doanh nghiệp nội sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong vài năm tới, nhất là ở thị trường xuất khẩu.