Cuộc đổ bộ của các đại siêu thị ngoại
Kể từ năm 2014, cuộc đổ bộ của các tập đoàn bán lẻ châu Á với mô hình mới - đại siêu thị đã sôi động với các tên tuổi như Central Group, Aeon Mall, Lotte Mart, Big C...
Cuối tháng 4, Trung tâm Mua sắm Robins có diện tích lên đến 10.000m2 của nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group đã khai trương tại Hà Nội. Sự kiện này càng khiến ngành bán lẻ Việt Nam sôi động hơn khi thị trường có đủ các thương hiệu bán lẻ lớn đến từ châu Á (Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia) và châu Âu (Pháp, Đức)...
Không giống như những siêu thị đã có tại Việt Nam, đại siêu thị Robins tập trung vào các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, vật dụng gia đình của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Cùng với đó, Robins khai khác những thương hiệu hàng đầu của Thái Lan và Việt Nam trong lĩnh vực may mặc.
Trước nhà đầu tư Thái, ngày 1/1/2014, nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã khai trương đại siêu thị Aeon Mall tại quận Tân Phú, TP.HCM, vốn đầu tư 100 triệu USD. Ngay sau khi ra mắt Aeon Mall Tân Phú, Tập đoàn Aeon chuẩn bị cho sự ra đời của trung tâm thứ hai tại Bình Dương vào cuối năm nay. Chưa dừng lại ở đó, tham vọng bành trướng ngành bán lẻ tại Việt Nam của Aeon càng chắc chắn hơn khi tháng 4 vừa qua, nhà đầu tư này đã khởi công xây dựng trung tâm thương mại thứ 3 tại quận Long Biên, Hà Nội.
Cùng với Aeon, từ đầu năm đến nay, Lotte Mart, đến từ Hàn Quốc đã khởi công xây dựng và khai trương các đại siêu thị tại Bình Dương, Bình Thuận, Hà Nội. Các đại siêu thị của Lotte Mart có diện tích không dưới 10.000m2, được xây dựng theo mô hình mua sắm tiện ích với đầy đủ dịch vụ dành cho người tiêu dùng như thực phẩm, thời trang, mỹ phẩm, vui chơi, giải trí...
Năm 2008, sự ra mắt của đại siêu thị Lotte Mart tại quận 7 (TP.HCM) đã tạo ra sự ngạc nhiên thích thú về một môi trường mua sắm mới mà ở đó, khách hàng được phục vụ như "thượng khách" khi có khu gửi trẻ, có những lớp học về làm đẹp, nữ công gia chánh...
Cuộc "đổ bộ” của các nhà bán lẻ châu Á đã được dự báo từ năm 2009, khi Việt Nam cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phân phối hàng hóa tại thị trường trong nước. Đến nay, làn sóng này đang tăng mạnh và các nhà kinh doanh muốn lấy Việt Nam làm bàn đạp để phát triển ra những thị trường lân cận. Đó là lý do các nhà bán lẻ lớn của châu Á như Aeon, Lotte, Central... đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia bán lẻ, thực chất, mô hình đại siêu thị đã xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 10/2008 với sự ra mắt Big C Thăng Long (có diện tích 10.000m2. Đến cuối năm 2011, Tập đoàn Dairy Farm (Hồng Kông) tham gia liên doanh với một đối tác trong nước hình thành đại siêu thị Giant nằm trong trung tâm mua sắm Crescent Mall (TP.HCM). Và từ đó đến nay, các đại siêu thị của Big C có diện tích trên 10.000m2 liên tục ra mắt người tiêu dùng.
Và nếu như Metro Cash & Carry và Big C được xem là các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam đã có những thành công nhất định thì hiện nay, những "chiến binh mới" như Lotte, Aeon... phát triển khá ấn tượng tại đây. Trong đó, Lotte có 7 đại siêu thị và dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2013, doanh thu các đại siêu thị của Lotte tăng 60% so với năm 2012.
Theo ông Hong Won Sil, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam, mục tiêu của Lotte là khai trương 60 trung tâm thương mại đến năm 2020, tập trung nhiều ở TP.HCM và Hà Nội. Riêng trong năm 2014 này, Công ty sẽ đưa vào hoạt động thêm 6 trung tâm mua sắm tại TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ.
Dù rớt khỏi top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới nhưng ngành bán lẻ Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất châu Á (theo các công ty đa quốc gia) với mức tăng 23%, vượt qua cả hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%).
Trong báo cáo thường niên năm 2013, Metro đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo sẽ tiếp tục tăng hai con số trong năm 2014. Hiện tại, với 19 trung tâm mua sắm, Metro Việt Nam xếp thứ 11 trên 32 nước mà tập đoàn này hiện diện. Tại khu vực châu Á và châu Phi, mạng lưới Metro Việt Nam xếp thứ 2, chỉ sau Trung Quốc với hơn 5.000 nhân viên.
Nhìn lại thị trường bán lẻ, có thể thấy Việt Nam đã có hàng loạt siêu thị của các thương hiệu bán lẻ lớn như Big C, Metro Cash & Carry, Giant, Lotte Mart, Daiso..., trong đó, các đại siêu thị được nhà đầu tư đẩy mạnh triển khai. Trong làn sóng mở đại siêu thị, cuối tháng 4 vừa qua, Big C Việt Nam đã khai trương đại siêu thị thứ 27 tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đại siêu thị Big C Hạ Long có vốn đầu tư 350 tỷ đồng, diện tích sử dụng khoảng 27.000m2. Đây là đại siêu thị thứ 4 của Big C được xây dựng theo tiêu chuẩn "công trình xanh" tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí.
Xoay chuyển theo cú hích lớn
Trước sức ép từ làn sóng đầu tư đại siêu thị từ các nước châu Á, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh.
Dự liệu được tình hình thực tế khi đầu năm 2015, Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, khi đó, các nhà đầu tư ngoại sẽ tràn vào nên các doanh nghiệp trong nước đã lên kế hoạch ứng phó.
Trong làn sóng nở rộ đại siêu thị, cùng với hệ thống siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.op Food đã lớn mạnh, tháng 5/2013, Saigon Co.op liên kết với FairPrice (Singapore) mở đại siêu thị Co.opExtraPlus. Không chỉ 10.000m2 như các đối thủ đi trước, Saigon Co.op mở đại siêu thị 20.000m2, cạnh tranh trực diện với các đối thủ nước ngoài.
Co.opExtraPlus được thiết kế gồm khu vực bán lẻ và sỉ với 50.000 mặt hàng cùng hành lang thương thương mại với nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. So với hệ thống siêu thị Co.opmart, các Co.opExtraPlus có diện tích gấp 4-5 lần, có các dịch vụ gia tăng như rửa xe, khu vui chơi giải trí... nhắm vào đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, xí nghiệp, công ty.
Việc hợp tác với nhà bán lẻ sở hữu thương hiệu có giá trị nhất Đông Nam Á (ước tính khoảng 1,52 tỷ USD) sẽ giúp tiềm lực của Saigon Co.op tăng thêm. Theo kế hoạch của đơn vị này, mỗi năm sẽ mở mới 1 - 2 đại siêu thị Co.opExtra và Co.opExtraPlus.
Hướng đến khách hàng nhiều tiền hơn, Saigon Co.op đã hợp tác với Mapletree (Singapore) khởi công dự án trung tâm thương mại SC Vivo City trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM. Với vốn đầu tư 100 triệu USD, SC Vivo City sẽ cung cấp cho thị trường 72.000 m2 diện tích bán lẻ.
Chủ đầu tư kỳ vọng, khi hoàn thành vào đầu năm 2015, Vivo City với các thương hiệu nổi tiếng, cụm rạp chiếu phim hiện đại, khu vui chơi giải trí và ẩm thực... sẽ là điểm đến lý tưởng cho những gia đình có thu nhập khá và cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng, hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ đang diễn ra rất quyết liệt, không chỉ trong việc mở rộng mạng lưới mà còn ở việc đa dạng mô hình kinh doanh để khai thác mọi phân khúc khách hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Vì vậy, tùy theo từng mô hình mà Saigon Co.op sẽ quyết định tự phát triển hay liên kết với các đối tác nước ngoài.
Không chỉ có Saigon Co.op mà ngay cả Metro Cash & Carry cũng phải thay đổi để làm mới mình. Ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam, cho biết, từ cuối năm 2012, Metro đã đề ra chiến lược kinh doanh tập trung vào nhóm khách hàng trọng điểm.
Trong năm 2014, Metro tập trung vào việc tăng cường hoạt động của các trung tâm phân phối hiện có và định hướng kinh doanh theo hướng đáp ứng được nhu cầu khách hàng chuyên nghiệp nhằm nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, Metro tiếp tục đầu tư phát triển các chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nhà sản xuất địa phương, hợp tác chặt chẽ với nông dân, xúc tiến, quảng bá hàng Việt ra thế giới.
Cụ thể hơn, bắt đầu từ tháng 3/2014, Metro thực hiện chiến dịch định vị hình ảnh mới trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chiến dịch "Bạn và Metro" hướng tới phục vụ khách hàng chuyên nghiệp như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, công ty, văn phòng, nhà máy... với tiềm năng lên đến 1.251 tỷ đồng mỗi năm.
Metro đặt hàng các nhà cung cấp đa dạng hóa kích cỡ đóng gói, phân phối các chủng loại mặt hàng có chọn lọc, các sản phẩm có chất lượng, các dịch vụ tiên tiến cùng sự tư vấn của nhân viên tại tất cả các trung tâm Metro.
Trong khi đó, Big C Việt Nam đẩy mạnh mô hình "Big C - Nơi mua sắm lý tưởng của mọi gia đình", thỏa mãn mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng với nguồn hàng phong phú, giá rẻ, chất lượng kiểm soát kèm nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá quy mô lớn và các dịch vụ phân phối hiện đại như giao hàng miễn phí, bán hàng trả góp, bán hàng qua điện thoại...
Bên cạnh đó, Big C đầu tư xây dựng các "công trình xanh" tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí. Từ đầu năm 2013 đến nay, tất cả các trung tâm mua sắm mới của Big C đều được xây dựng theo hình thức này. Với các công trình xanh, vốn đầu tư ban đầu sẽ tăng nhiều so với những đại siêu thị khác nhưng Big C đang tính đến việc tiết kiệm chi phí khi lượng điện năng tiêu thụ giảm.
Ông Pascal Billaud, Tổng giám đốc Big C Việt Nam, cho biết, các công trình xanh giúp giảm thiểu chi phí vận hành, nâng cao giá trị tài sản, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, tiết kiệm năng lượng và nước.
Với những hiệu quả rõ rệt đã được minh chứng tại Big C Dĩ An (Bình Dương), Big C Ninh Bình, Big C Việt Trì, công nghệ xanh sẽ cho phép các đại siêu thị Big C tiết kiệm khoảng 25% lượng điện năng tiêu thụ so với một trung tâm thương mại thông thường. Đây sẽ là nguồn ngân sách giúp Big C đầu tư hơn nữa cho giá cả và chất lượng hàng hóa.
Khi nào đến Walmart?
Dù cạnh tranh khốc liệt nhưng dư địa thị trường lớn nên các doanh nghiệp (DN) vẫn liên tiếp đầu tư và mở rộng quy mô.
Theo ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Metro Carry Việt Nam, dân số Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 16 triệu người từ năm 2000 đến năm 2020. Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ trọng của kênh thương mại hiện đại chỉ khoảng 30% trong khi con số này là trên 70% tại một số nước châu Âu như Pháp, Đức.
Điều đó tạo nhiều cơ hội cho phát triển thương mại hiện đại tại Việt Nam. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và mặc dù không nằm trong danh sách Top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới (theo đánh giá của A.T Kearney) nhưng đây vẫn là một thị trường nhiều tiềm năng.
Bên cạnh đó, nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chất lượng cao và an toàn, cũng như thu nhập cao hơn và sự phát triển của các lĩnh vực ăn uống, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ... sẽ vẫn tiếp tục với nền kinh tế hơn 90 triệu dân. Tất cả những yếu tố này cho thấy triển vọng đối với ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Đó là những lý do dù thị trường cạnh tranh khốc liệt nhưng các doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch "đánh mạnh" vào phân khúc khách hàng này. Trong đó, Aeon đã có một trung tâm tại TP.HCM và chuẩn bị đưa trung tâm thứ hai vào hoạt động cùng lúc với việc khởi công đại siêu thị thứ ba tại Hà Nội và đang ráo riến "săn" mặt bằng để hoàn thành kế hoạch mở 20 đại siêu thị tại Việt Nam.
Lotte bên cạnh việc mở chuỗi đại siêu thị còn đầu tư xây dựng "khu phức hợp thông minh" gồm trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ dịch vụ, văn phòng và căn hộ chung cư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Dự án có mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD, hoàn thành quy hoạch chi tiết trong năm nay và sẽ triển khai nhiều giai đoạn phù hợp theo hạ tầng cơ sở của Thủ Thiêm.
Không những thế, Lotte còn đẩy mạnh việc mua lại các khách sạn, trung tâm thương mại tại Việt Nam để cụ thể hóa con số 60 đại siêu thị đồng thời với việc phát triển theo hướng đa phong cách, mua sắm kết hợp giải trí nhằm chiếm lĩnh thị trường. Big C thì "sẽ mở điểm bán mới không hạn chế nếu có mặt bằng".
Ở khối nội, trong kế hoạch năm 2014, Saigon Co.op đặt mục tiêu phát triển thêm 10 siêu thị, trung tâm thương mại, 20 cửa hàng thực phẩm với tổng doanh thu 25.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2013. Trong đó, Co.opmart sẽ đầu tư, đưa vào hoạt động thêm hai trung tâm thương mại Sense City, mỗi trung tâm có vốn đầu tư 250 tỷ đồng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID), công ty con chuyên lo mặt bằng của Saigon Co.op, cho biết, với kinh nghiệm phát triển nhiều siêu thị Co.opmart, SCID tin tưởng sẽ phát triển tốt chuỗi trung tâm thương mại Sense City theo kế hoạch mỗi năm đưa vào hoạt động 1 - 2 trung tâm.
Bên cạnh việc đầu tư các Sense City mới, một số siêu thị Co.opmart có diện tích lớn ở những địa phương phù hợp sẽ được chọn để nâng cấp lên mô hình Sense City. Đánh mạnh hơn đến phân khúc khách hàng nhiều tiền, Saigon Co.op hợp tác với Mapletree - một công ty bất động sản hàng đầu Singapore thực hiện nhiều dự án lớn.
Trong đó, dự án An Phú Complex (gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí, căn hộ cao cấp, cao ốc văn phòng và khách sạn) có diện tích 350.000m2 đang được xây dựng. Dự kiến, An Phú Complex sẽ hoàn thành vào năm 2015, trở thành một khu phức hợp tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu Việt Nam.
Không dừng lại ở những doanh nghiệp đang có, dường như làn sóng kinh doanh đại siêu thị đang tiến đến "giờ G" khi hàng loạt nhà đầu tư mới đang tiếp tục tràn vào. Trong đó, Auchan, một tập đoàn cỡ trung về bán lẻ của Pháp có mặt tại 15 nước trên thế giới, mới đây đã cam kết đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm vào Việt Nam.
Mapletree, ngoài hợp tác với Saigon Co.op xây dựng các trung tâm mua sắm, các khu phức hợp cũng cam kết đầu tư lên đến 1 tỷ USD cho bán lẻ. Walmart, nhà bán lẻ có thương hiệu lớn nhất toàn cầu mới đây cũng tuyên bố sẽ mở siêu thị tại Việt Nam. Walmart không chỉ đón đầu thị trường bán lẻ vào năm 2015 mà chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiện tại, Walmart đã thành lập văn phòng đại diện và đang mua hàng quần áo, giày dép, hàng gia dụng, thực phẩm để xuất khẩu vào hệ thống siêu thị của thương hiệu này tại Canada, Chile, Mexico, Trung Quốc. Với hệ thống 11.000 siêu thị bán lẻ trên toàn cầu, mỗi năm tiêu thụ 40 tỷ USD hàng từ Trung Quốc, nếu vào Việt Nam, Walmart sẽ là đối thủ lớn cho các nhà bán lẻ hiện tại.