Cuộc chơi ngàn tỉ của dòng tiền
Ngược lại với nền kinh tế chỉ tăng trưởng khá khiêm tốn trong nửa đầu năm, thị trường cổ phiếu niêm yết đã bùng nổ thực sự khi chỉ số VN-Index lần lượt phá vỡ cột mốc 700 điểm, rồi lên 750 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2009.
Nhưng thị trường không hề tăng ảo, bởi dòng tiền đổ vào thị trường từ đầu năm đến nay rất lớn; có những phiên khối lượng giao dịch lên đến hơn 5.000 tỉ đồng. Vì sao nhà đầu tư hưng phấn đến thế? Liệu xu thế này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm?
Bùng nổ dòng tiền
Ấn tượng nhất trong nhóm các cổ phiếu dẫn dắt thị trường nửa đầu năm là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Mã MBB của Ngân hàng Quân Đội đã tăng một mạch từ 13.000 đồng lên 20.000 đồng, giúp xóa bỏ biệt danh “cổ phiếu tốt nhưng không ai quan tâm” nhiều năm nay. Cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu tăng mạnh hơn 62,5%, hay mã STB của Sacombank tăng gần gấp đôi sau những tin đồn liên quan đến thương vụ M&A. Dường như sau giai đoạn khó khăn, những động thái quyết liệt gần đây của Ngân hàng Nhà nước về xử lý nợ xấu đang tạo niềm tin cho các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu ngân hàng.
Sức hút của chứng khoán còn đến từ việc các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng... từ đầu năm đến nay khá trầm lắng, khiến cho dòng tiền đầu tư nhàn rỗi có khuynh hướng chuyển sang chứng khoán. “Thị trường chứng khoán được vận hành dựa trên kỳ vọng tương lai. Chính phủ đang đưa ra thông điệp rõ ràng về phát triển kinh tế nói chung và kinh tế tư nhân nói riêng, đi cùng với các quyết sách nhanh chóng, tạo nên niềm tin cho xã hội và cộng đồng đầu tư tài chính”, ông Huy Hoàng, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu thuộc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định.
Nhưng niềm tin thôi là chưa đủ, bởi dòng tiền đổ vào mỗi phiên lên đến vài ngàn tỉ đồng một cách bền bĩ thật sự là một hiện tượng hiếm gặp. “Chứng khoán tăng trưởng mạnh là có mối quan hệ với tín dụng tăng trưởng mạnh”, nhà môi giới cao cấp tại một công ty chứng khoán nằm trong Top 4 (không muốn nêu tên) nhận xét.
Trên thực tế, dù tăng trưởng của nền kinh tế khá thấp nhưng tín dụng tăng vọt lên đến 6,53% chỉ trong 5 tháng đầu năm và là mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Tất nhiên, việc một lượng lớn vốn từ ngân hàng đổ vào chứng khoán mà không chảy vào các kênh sản xuất có thể khơi gợi lên một chút suy nghĩ về hiện trạng của nền kinh tế thực và dòng vốn đầu cơ có lẽ đang chiếm thế thương phong hơn là dòng vốn đầu tư lâu bền, dài hạn.
Một động lực khác cho thị trường còn là việc khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại sau khi bán tháo cuối năm ngoái do lo ngại tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Tính riêng thị trường cổ phiếu, 5 tháng đầu năm 2017, khối ngoại đã mua ròng hơn 7.000 tỉ đồng, cao nhất trong lịch sử, trong khi cùng kỳ bán ròng hơn 1.000 tỉ đồng. “Tính luôn cả thị trường trái phiếu, khối ngoại đã mua ròng gần 19.000 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ và cũng là mức cao nhất trong lịch sử”, ông Hoàng thuộc KIS Việt Nam nói.
Theo quỹ đầu tư Asia Frontier Capital, điều hấp dẫn cho dòng vốn ngoại là trọng số của thị trường chứng khoán Việt Nam được nới thêm đáng kể trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index, sau khi Pakistan được nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi. Chỉ số này chính là cơ sở cho các quỹ ETF mô phỏng đầu tư. Ngoài ra, đang xuất hiện khả năng Việt Nam nằm trong danh sách các ứng viên tiềm năng được MSCI nâng hạng giống trường hợp của Pakistan trong thời gian tới, dẫn đến sức mua mạnh của khối ngoại vào các cổ phiếu blue-chip trên thị trường.
Xu thế tăng có bền vững?
Liệu xu thế tăng sẽ tiếp tục? Rõ ràng, không có gì là không thể một khi niềm tin đã quay trở lại. Nhìn một cách lạc quan, các yếu tố vĩ mô trong nước như lạm phát, thất nghiệp và nợ xấu ngân hàng cải thiện mạnh so với 5 năm trước. Cộng đồng đầu tư quốc tế cũng đánh giá xếp hạng tín dụng của Chính phủ tốt hơn, mà cụ thể là chỉ số rủi ro vỡ nợ (CDS) của trái phiếu chính phủ Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Điều này giúp chi phí vốn của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam giảm, góp phần làm cho thị trường hưng phấn.
Nhưng liệu tăng trưởng kém lạc quan thể hiện nửa đầu năm có phải là rào cản? Thực tế, mối quan hệ trong ngắn hạn giữa tăng trưởng GDP và chỉ số chứng khoán cũng khó được đánh giá mật thiết. Điển hình như nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ì ạch trong các năm gần đây nhưng chỉ số chứng khoán S&P liên tiếp phá vỡ các kỷ lục và hiện đứng ở mức hơn 2.440 điểm. Năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 6,21%, thấp hơn năm trước đó nhưng VN-Index vẫn tăng mạnh 15%.
Dù vậy, tương tự như bong bóng thị trường năm 2008, việc bùng nổ quá mạnh cũng mang đến một chút lo ngại. “Nếu nhìn một cách thận trọng, chỉ số giá trên thu nhập (P/E) của VN-Index đang ở mức 15 lần, cao nhất trong 5 năm gần đây, đặc biệt khi lợi nhuận của các công ty trong VN-Index tăng trưởng thấp nhất trong cùng giai đoạn. Điều này cho thấy sự không bền vững của xu hướng tăng trong ngắn hạn”, ông Hoàng, KIS Việt Nam, nói.
Theo ông Hoàng, các doanh nghiệp ngành tài chính, bất động sản, tiêu dùng đang có kết quả kinh doanh rất tốt, giá cổ phiếu lại cao (P/E khoảng 20 lần), kéo theo đó là rủi ro lớn khi đầu tư ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghệ, vật liệu xây dựng và điện đang có kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn qua các năm và đặc biệt là mức giá tương đối rẻ (P/E khoảng 10 lần) có thể là cơ hội tốt, đáng để nhà đầu tư cân nhắc.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt thì cho rằng với nhu cầu đầu tư và phát triển hạ tầng của Việt Nam hiện rất lớn, tỉ lệ cao dân số thuộc thế hệ Y với nhu nhập ngày càng tăng và việc Việt Nam thu hút được ngày càng nhiều dòng vốn trực tiếp nước ngoài sẽ mang đến viễn cảnh tích cực cho xây dựng, tiêu dùng và các ngành liên quan đến đầu tư hạ tầng.
Sơn Nguyễn