Chủ Nhật | 06/07/2014 15:42

Cuộc “chơi” mới của Kinh Đô

Với việc trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex, Công ty Kinh Đô đã bước vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC-Hose) đã chính thức xác nhận với cổ đông trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 diễn ra đầu tuần này là công ty sẽ mua 24% cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật (Vocarimex).

Giá mua sẽ phải đợi cho đến khi Vocarimex IPO xong vào ngày 25-7-2014 (theo quy định doanh nghiệp cổ phần hóa bán cổ phần cho đối tác chiến lược theo giá thỏa thuận, nhưng không thấp hơn giá bán bình quân của đợt IPO - NV). Với việc trở thành cổ đông lớn của Vocarimex, KDC đặt thêm một chân còn lại vào lĩnh vực mà họ đã chuẩn bị kế hoạch “công phá” từ lâu: công nghiệp thực phẩm.

Khoảng sáu tuần trước, Kinh Đô hoàn tất đợt phát hành 40 triệu cổ phiếu với giá 44.000 đồng/cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, vốn được thông báo cho cổ đông từ năm ngoái.

Ban đầu Kinh Đô nhắm đến người mua là các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả các nhà đầu tư tài chính và tổ chức kinh doanh ngành thực phẩm với mục tiêu giúp công ty thâm nhập thị trường các nước khu vực. Tuy nhiên theo nghị quyết hội đồng quản trị đã được KDC công bố, các nhà đầu tư chiến lược tham gia đợt phát hành lần này lại là năm doanh nghiệp nội, gồm Công ty TNHH Tháp Láng Hạ, Công ty cổ phần Đồng Tâm, Công ty Thương mại Đồng Tâm, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản An Thịnh Lộc, Công ty cổ phần Đầu tư Trường Thịnh Phát. Tất cả người mua đều nắm giữ tỷ lệ dưới 5% cổ phần Kinh Đô và đều không phải là cổ đông lớn.

Xét về ngành nghề hoạt động, các cổ đông pháp nhân mới của Kinh Đô hầu như không có liên quan đến sản xuất, chế biến thực phẩm. Họ mang dáng dấp nhà đầu tư tài chính dài hạn với thời gian nắm giữ cổ phiếu tính bằng năm.

Thu về hơn 1.700 tỉ đồng, cộng thêm số tiền mặt có sẵn, Kinh Đô đang sở hữu 4.000 tỉ đồng, thuộc nhóm các doanh nghiệp “giàu có” trên sàn. Số tiền này sẽ được sử dụng để phát triển hai nhánh mới là dầu ăn và mì ăn liền, nước chấm.

Trong một bản tin gửi cho khách hàng, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết KDC đã cam kết đầu tư khoảng 30 triệu đô la Mỹ nhằm nắm giữ từ 20-30% cổ phần của một doanh nghiệp dầu ăn nội địa. Nay danh tính Vocarimex đã rõ. Kinh Đô có thể “đổ” thêm vốn nếu cần thiết để nâng cấp hệ thống phân phối, hệ thống quản lý và nhận biết thương hiệu cho đơn vị này.

Trên thị trường dầu ăn, hiện Công ty Dầu Tường An và Công ty Dầu Cái Lân đang chiếm thị phần áp đảo. Cái Lân là công ty liên doanh và phía nước ngoài nắm giữ tỷ lệ chi phối. Tường An là doanh nghiệp niêm yết và Vocarimex đang sở hữu 51% cổ phần. Vocarimex cho đến nay vẫn không muốn thoái bớt vốn khỏi Tường An và không muốn giảm bớt tỷ lệ sở hữu khiến có thể dẫn đến việc mất quyền kiểm soát ở đây dưới bất kỳ hình thức nào.

Theo phương án cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt đầu tháng 4 vừa rồi, Vocarimex sẽ bán 32% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (ngoài KDC mua 24%, một công ty chứng khoán khác đã đăng ký mua 8%), hơn 31% cho công chúng và gần 1% cho người lao động. Giá khởi điểm là 11.300 đồng/cổ phiếu, vốn điều lệ 1.218 tỉ đồng. Chưa thể phỏng đoán giá IPO thành công của Vocarimex bao nhiêu, nhưng so với số tiền mặt đang có trong tay và mức cam kết đầu tư 30 triệu đô la Mỹ vào một công ty dầu ăn, thì KDC thừa năng lực tài chính để thực hiện cam kết.

Kinh Đô cũng thông báo với cổ đông sẽ hợp tác với Công ty TNHH Saigon Ve Wong sản xuất mì ăn liền, nước chấm với thương hiệu của KDC. Trao đổi với TBKTSG trước đây, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kinh Đô, cho biết KDC hiểu rất rõ sự cạnh tranh gay gắt về thị phần ở mảng này và công ty sẵn sàng dành một nguồn kinh phí lớn, có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng nhằm có một chỗ đứng tại đây.

Báo cáo của một hãng nghiên cứu thị trường cho biết năm 2013 người Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 5 tỉ gói mì ăn liền, tức bình quân mỗi người ăn 55,5 gói/năm. Đây là mức khá cao so với các nước lân cận, do đó sức tăng trưởng của thị trường sẽ không còn đột biến như năm năm trước đây. Ngoài ra, các đối thủ của Kinh Đô đều là những tên tuổi nặng ký như Masan Consumer, Vina Acecook và hàng loạt công ty đang chiếm lĩnh phân khúc sản phẩm bình dân khác.

Trong mảng bánh kẹo, Kinh Đô vẫn ở vị trí dẫn đầu, nhưng sức tăng trưởng của thị trường đang chững lại. Trong bối cảnh sức mua của toàn xã hội giảm, người tiêu dùng chỉ chi tiêu cho những hàng hóa thiết yếu. Bánh kẹo là thứ sản phẩm “lưng chừng”, không nhất thiết phải sử dụng hàng ngày như gạo, thịt, sữa... Thậm chí đến cả sữa, sức mua cũng bắt đầu có dấu hiệu “giậm chân tại chỗ”.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2014, doanh thu trong kỳ của KDC giảm nhẹ 1,7% so với cùng kỳ. Do quí 1, thường là mùa thấp điểm của các công ty sản xuất bánh kẹo, nên doanh thu thấp của Kinh Đô là hợp lý. Các doanh nghiệp bánh kẹo khác như Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị cũng không có nhiều sự cải thiện về doanh thu. Tuy vậy so với chính bản thân, năm nay có thể KDC sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng thị phần. Quí 1-2012 và quí 1-2013, doanh thu của Kinh Đô còn tăng trưởng tốt ở mức tương ứng là 14% và 12% so với cùng kỳ.

Ông Nguyên cho biết trong kinh doanh bánh kẹo, Kinh Đô rất chú trọng trong việc giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng. Trên thực tế công ty đầu tư vào hệ thống quản lý nhà phân phối và dịch vụ để tăng năng suất. Điều này đã bù đắp cho sự gia tăng chi phí nhân công, chi phí đóng gói trong điều kiện giá nguyên liệu đầu vào không biến động nhiều. Kinh Đô từ năm ngoái đã hầu như không tăng giá bán sản phẩm để giữ thị phần. Nếu quá trình này kéo dài, lợi nhuận biên của KDC có thể bị ảnh hưởng.

Nguồn thesaigontimes


Sự kiện