Cuộc chơi của các nền kinh tế gốc Hoa
Xu hướng đầu tư của người Hoa từ Trung Quốc đại lục, Ma Cau, Hồng Kông và Đài Loan vào Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Chúng ta đang đứng trước cơ hội hay thách thức?
Mới đây, tập đoàn giải trí Sun City của MaCau đã bày tỏ ý định sẽ đầu tư một dự án casino ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Nếu được thông qua, giá trị dự án này nhiều khả năng sẽ không dưới 4 tỉ USD. Sun City và tập đoàn bất động sản nổi tiếng từ Hồng Kông là Chow Tai Fook cũng đã trở thành đối tác của công ty quản lý quỹ lớn nhất Việt Nam VinaCapital trong dự án phát triển khu phức hợp kết hợp casino trị giá 4 tỉ USD tại Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nếu thuận lợi, nhiều khả năng khu giải trí cao cấp này sẽ được chính thức khởi công vào giữa năm nay.
Không chỉ có casino, làn sóng đầu tư của Trung Quốc cũng như các vùng lãnh thổ có liên quan gồm Hồng Kông, Đài Loan, Macau vào Việt Nam còn thể hiện ấn tượng ở nhiều lĩnh vực khác, từ dệt may, bất động sản, sắt thép, tài chính, năng lượng cho đến các dự án cơ sở hạ tầng giao thông. Năm 2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới từ Trung Quốc, Hồng Kông, Macau và Đài Loan vào Việt Nam đã lên đến 3,6 tỉ USD, chỉ chịu đứng sau Hàn Quốc.
Ngoài Việt Nam, làn sóng đầu tư ra nước ngoài của người Hoa còn hướng đến các quốc gia khác ở Đông Nam Á, các nước phát triển ở Bắc Mỹ, châu Âu và thậm chí còn lan tỏa đến tận Nam Mỹ và châu Phi.
Giá trị đầu tư của người Hoa ra nước ngoài cũng ngày càng tăng nhanh và đang dần bắt kịp với dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc. Theo ghi nhận của hãng tin Reuters (Anh), dòng vốn đầu tư ra thế giới của Trung Quốc trong năm 2014 đã tăng mạnh 14,1% để đạt mức kỷ lục mới 102,9 tỉ USD. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn 1,7%, ở mức 119,6 tỉ USD. Xu hướng này tiếp tục trong hai tháng đầu năm 2015 với mức tăng lần lượt 51% và 17%.
Rõ ràng, những sự kiện như vậy phản ánh một thực tế rằng Trung Quốc đang chuyển mình quyết liệt từ thế bị động sang chủ động, tìm cách thay đổi và điều khiển cuộc chơi.
Người Hoa “chấm” casino Việt
Sau hàng chục năm trở thành đích đến của dòng vốn quốc tế, tích lũy được thặng dư thương mại và dự trữ lượng ngoại hối khổng lồ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang thực hiện những thay đổi quan trọng, có thể gây ra tác động to lớn đối với thế giới bên ngoài. Động thái này cũng xuất phát từ sự thay đổi trong chiến lược của giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay.
Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ nhiều hơn. Các ngành công nghiệp chế tạo, vốn giúp hàng trăm triệu người Hoa thoát khỏi nghèo khổ nhưng cũng gây ra hậu quả đáng kể về mặt môi trường, sẽ không còn được khuyến khích. Chi phí nhân công tăng lên và tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc cũng khiến giới đầu tư nước này phải tìm kiếm cơ hội ở các quốc gia khác.
Không chỉ có vậy, chính sách chống tham nhũng, kiểm soát tài sản chặt chẽ trong thời gian qua cũng khiến giới tài phiệt Trung Quốc mệt mỏi. Điển hình là ở lĩnh vực kinh doanh casino, khi mà thiên đường bài bạc Macau đang phải chứng kiến sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng vì lượng người chơi đến từ đại lục giảm mạnh trong những năm gần đây. Tình thế này buộc những tập đoàn như Sun City phải tìm kiếm những bến đỗ mới như Việt Nam, không cách Trung Quốc quá xa để người Hoa vẫn có thể dễ dàng tiếp cận.
Thật vậy, một trong những casino có quy mô khá lớn đã hoạt động tại Việt Nam là The Grand Hồ Tràm Strip (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang chứng kiến tỉ lệ lớn người chơi đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều tương tự cũng diễn ra ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng được phép tổ chức casino cho người nước ngoài ở miền Trung và miền Bắc nước ta.
Theo các chuyên gia ước tính, nếu được phép kinh doanh thông thoáng hơn, ngành công nghiệp casino của Việt Nam có thể đạt đến doanh thu 3 tỉ USD mỗi năm. Và chiếc bánh hấp dẫn này rõ ràng khó lọt khỏi cặp mắt sành sõi của các nhà đầu tư đến từ Macau hay Hồng Kông.
Bên cạnh Việt Nam, người Hoa cũng đang tích cực săn lùng cơ hội đầu tư ở khu vực Đông Nam Á và toàn thế giới, đặc biệt là tìm cách sáp nhập và thâu tóm (M&A) các tài sản giá rẻ ở những quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Theo Bloomberg (Mỹ), các nhà đầu tư Trung Quốc hiện ngày càng để ý tới những công ty có thương hiệu lớn ở châu Âu.
Ví dụ, Trung Quốc vừa đánh tiếng muốn mua lại khu trung tâm thương mại cao cấp Potsdamer Platz ở Berlin (Đức) và hãng sản xuất săm lốp danh tiếng Pirelli của Ý. Danh sách các công ty ở châu Âu rơi vào tay người Hoa tính đến nay có thể kể đến như hãng ôtô Volvo của Thụy Điển, hãng ôtô Peugeot Citroen và thương hiệu thời trang Sonya Rykiel ở Pháp, cảng biển Piraeus của Hi Lạp, chuỗi nhà hàng Pizza Express và hãng thời trang cao cấp Aquascutum tại Anh… Tổng số thương vụ M&A của người Hoa vào châu Âu trong năm 2014 đã tăng 41% và hơn một nửa trong số đó là các thương vụ có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên.
Làn sóng đầu tư của Trung Quốc còn thể hiện mạnh mẽ ở Nam Mỹ với các dự án hạ tầng “khủng”, nhiều dự án khai khoáng ở châu Phi. Thậm chí, các ông chủ người Hoa còn muốn mua cả những công ty dầu khí ở Bắc Mỹ. Và khi nước Nga gặp khó khăn, Trung Quốc liền ra tay giúp đỡ hàng chục tỉ USD thông qua các dự án mua bán dầu khí.
Hãy trở lại với châu Á và Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi thì ngay trong năm 2015, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á, một sáng kiến của Trung Quốc, sẽ chính thức đi vào hoạt động với số vốn ban đầu khoảng 50 tỉ USD và một nửa trong số đó cũng đến từ Trung Quốc. Thông qua cơ chế tài chính này, Trung Quốc sẽ cùng các đối tác quyết tâm biến những mơ ước về con đường tơ lụa trên đất liền và trên biển nối liền Đông sang Tây trở thành hiện thực. Điển hình cho tham vọng này là siêu dự án đường sắt kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, bắt đầu từ Singapore, qua Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, rồi kết thúc tại Côn Minh, Trung Quốc.
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp nhà nước và vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) cho nước ngoài sẽ là những công cụ chủ chốt để Trung Quốc thực hiện giấc mơ bành trướng thì gần đây, các doanh nghiệp tư nhân cũng được xem là kênh gây ảnh hưởng quan trọng của người Hoa. Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp nước này tăng đầu tư ra bên ngoài để trở nên cạnh tranh hơn, tối ưu hóa năng lực sản xuất dư thừa. Cùng lúc, đồng nhân dân tệ cũng đang được nước này tìm mọi cách hỗ trợ để trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế.
Cuối năm ngoái, tập đoàn sản xuất xi măng lớn thứ hai Trung Quốc là Anhui Conch đã khánh thành nhà máy có công suất 3.200 tấn/ngày ở Indonesia. Chưa dừng lại ở đó, đại gia này cho biết đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác ở Đông Nam Á khi thấy tiềm năng có thể thay thế được nhu cầu đang chậm lại trong nước. “Các quốc gia đang phát triển như ở Đông Nam Á cần một lượng lớn xi măng để xây cơ sở hạ tầng như đường sá, nhà cửa và cảng biển”, ông Guo Wensan, Chủ tịch Anhui Conch, nói với tờ Nikkei Asian Review (Nhật).
Cơ hội hay thách thức?
Việt Nam, thị trường lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á và nằm liền kề với Trung Quốc, tất nhiên cũng được các nhà đầu tư người Hoa đặc biệt chú ý. Hiện tại, những khoản đầu tư có sự tham gia của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Macau đã trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, hầu hết đều là các dự án then chốt của nền kinh tế.
Điển hình là ở lĩnh vực năng lượng, nơi mà sự hiện diện của dòng vốn Trung Quốc là rất rõ nét. Ví dụ như nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đang triển khai có tổng vốn đầu tư dự án gần 1,6 tỉ USD, trong đó sử dụng 85% vốn vay thương mại do Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc tài trợ. Một siêu dự án khác sắp hoàn thành là nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 có giá trị 1,95 tỉ USD cũng có 19% vốn góp đến từ Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC).
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã viện trợ hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam với vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, thông qua vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA. Trung Quốc cũng là nhà thầu chính trong các dự án năng lượng ở Việt Nam. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) được công bố vào tháng 4.2014, có 15/20 dự án nhiệt điện tại Việt Nam đang được phía Trung Quốc làm tổng thầu.
Ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Trung Quốc cũng tham gia nhiều dự án trọng điểm và gần đây nhất, người Hoa còn đề nghị sẽ xây cho Việt Nam tuyến đường sắt kết nối Cần Thơ với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Một lĩnh vực tiềm năng khác trong mắt Trung Quốc là bất động sản. Tuy chưa có các con số thống kê chính thức, nhưng dòng vốn của người Hoa đầu tư vào bất động sản Việt Nam là không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án của các nhà đầu tư trong nước đang gặp khó về nguồn vốn. Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, 2014 là năm mà hãng tư vấn này nhận được rất nhiều yêu cầu mua lại các dự án bất động sản từ nhà đầu tư Trung Quốc.
Trước đó, vào 2013, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã kêu gọi Việt Nam ủng hộ kế hoạch đầu tư hai khu công nghiệp trọng điểm do Trung Quốc đầu tư là Long Giang (Tiền Giang) và Shenzhen (Hải Phòng). Một tập đoàn bất động sản khác là Texhong Group cũng đang phát triển một dự án khu công nghiệp trị giá 215 triệu USD ở Hải Hà (Quảng Ninh). Đây là những nơi có tiềm năng trở thành các cứ điểm sản xuất mới của Trung Quốc tại Việt Nam.
Sự bành trướng của người Hoa còn thể hiện rõ nét ở các ngành công nghiệp nặng như siêu dự án Formosa (Hà Tĩnh) hay dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai trị giá 340 triệu USD. Ngành dệt may trong thời gian gần đây cũng chứng kiến nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông nhằm đón đầu cơ hội khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) sắp được ký kết.
Có thể nói, tiềm năng và vị trị địa lý thuận lợi chính là cơ hội để Việt Nam nhận được sự quan tâm và đầu tư lớn từ phía Trung Quốc, nhưng điều này cũng tạo ra những thử thách không nhỏ. Các dự án do Trung Quốc đầu tư hay làm tổng thầu hầu hết đều thiên về ngành công nghiệp nặng, có tác động lớn đến môi trường. Trong một số trường hợp, công nghệ mà các nhà đầu tư Trung Quốc đưa sang đã lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả.
Nguy cơ gây ảnh hưởng về mặt kinh tế cũng là điều có thể xảy ra đối với Việt Nam. Ví dụ ở ngành thép, trong khi nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về sức tiêu thụ, thì với năng lực sản xuất lên tới 22 triệu tấn thép/năm, Formosa có thể sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước càng thêm điêu đứng.
Đó là chưa kể đến việc nhiều nhà máy của người Hoa đầu tư tại Việt Nam sử dụng máy móc, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này, dĩ nhiên, sẽ ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại đang thâm hụt đáng kể giữa hai nước. Trong năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc đạt mức kỷ lục mới là 28,9 tỉ USD, tăng 21,8% so với năm trước đó.
Trung Quốc đã nổi tiếng thế giới với chiến lược tạo dựng liên minh khôn ngoan. Khi đầu tư vào một quốc gia, người Hoa thường nhắm đến các lĩnh vực thiết yếu của nước đó như hạ tầng, vận chuyển hay năng lượng. Với thực tế rằng người bản địa gốc Hoa cũng đang trải rộng khắp các quốc gia Đông Nam Á, những nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông, Macau hay Đài Loan chắc chắn sẽ tìm được liên minh để có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường đó.
Vài năm gần đây, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cũng là điều khiến cả thế giới lo ngại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ. Nhưng nhìn chung, sự lớn mạnh và chủ động hơn khi bước ra vũ đài kinh tế thế giới của Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn cho Việt Nam; và cũng tạo ra những thử thách thức lớn đáng chú ý trong các năm kế tiếp.
Nguồn Nhịp cầu đầu tư