Nikkei
Cuộc chiến ví điện tử ở Đông Nam Á
Nikkei cho hay, Tencent Holdings sẽ tung ra dịch vụ WeChat Pay bằng ngoại tệ đầu tiên ở Malaysia như một dịch vụ ví điện tử được nhúng trong ứng dụng nhắn tin của WeChat.
Tencent đã được cấp giấy phép cho hoạt động thanh toán điện tử ở Malaysia, vốn cho phép người dân địa phương sử dụng ứng dụng Wechat để thanh toán bằng đồng ringgit, thông qua ghi nợ tài khoản ngân hàng trong nước. Dịch vụ này sẽ được tung ra trong những tháng tới.
So kè giữa Alipay và Wechat Pay
Hiện tại, Hồng Kông là địa điểm duy nhất ở bên ngoài Trung Quốc đại lục mà WeChat Pay và Alipay cho phép thanh toán bằng một loại tiền tệ địa phương. Hai ứng dụng này chỉ áp dụng cho những người có thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng từ Trung Quốc và phục vụ cho người Hoa ở nước ngoài đi du lịch nước ngoài.
Đối với Tencent, WeChat Pay là chìa khóa để giới thiệu toàn bộ hệ sinh thái WeChat, bao gồm phương tiện truyền thông xã hội, chuyển tiền, gọi xe và mua sắm trực tuyến.
Theo Nikkei, một yếu tố ảnh hưởng đến việc Tencent lựa chọn Malaysia là vì người Hoa chiếm khoảng 1/5 trong số 31 triệu dân của nước này. Đất nước này đã có 20 triệu người sử dụng WeChat, một quan chức Tencent nói với Reuters vào tháng 11. WeChat có 600 triệu người dùng trên toàn thế giới, hầu hết là ở Trung Quốc và phần lớn trong số 100 triệu người ở nước ngoài ở Đông Nam Á.
Ant Financial, công ty điều hành Alipay, đã đi theo một con đường khác. Hãng đã thông báo không có kế hoạch cung cấp dịch vụ Alipay bằng đồng nội tệ, nhưng đang làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ cho khách du lịch từ Trung Quốc và liên doanh với các đối tác địa phương cho ví điện tử dưới thương hiệu của họ.
Mức độ phủ sóng của Alipay và Wechatpay bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: Nikkei |
Lý do của Alipay là các giải pháp hỗ trợ tiền tệ địa phương "mất nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển", một phát ngôn viên của công ty nói với Nikkei.
Tại Malaysia, Ant Financial sẽ tham gia một liên doanh với Touch'n Go, một chi nhánh chuyển mạch thẻ tín dụng của Tập đoàn CIMB Group Holdings, vào cuối năm nay. Khoảng 10 triệu du khách sử dụng Touch 'n Go cho tàu điện ngầm, xe buýt, đường cao tốc và bãi đậu xe. Ngân hàng Trung ương Malaysia đã đồng ý cho Touch 'n Go vận hành ví điện tử vào ngày 8.1
Ở Thái Lan, Ant Financial đã hợp tác với Kasikornbank về mã vạch QR cho phép các thương gia Thái Lan chấp nhận thanh toán từ khách du lịch Trung Quốc sử dụng hệ thống này. Vào năm 2016, Ant Financial đã đầu tư vào Ascend Money, một chi nhánh fintech của tập đoàn Charoen Pokphand (công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi của 7-Eleven ở Thái Lan). Ascend Money đã có hơn 3 triệu người sử dụng TrueMoney Wallet tại Thái Lan kể từ tháng 8 và tăng gấp đôi lên 8 triệu vào năm 2018.
Một khoản đầu tư khác của Ant Financial là vào Mynt, một công ty fintech Philippines sở hữu GCash, ví điện tử lớn nhất tại quốc gia này.
Ở Singapore, Alipay đã hợp tác với một công ty khởi nghiệp tại địa phương, CC Financial Services, trên nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt CCPay. Công ty này cũng đang làm việc với Pi Pay, trực thuộc Tập đoàn Anco tại Campuchia. Khách du lịch Trung Quốc có thể sử dụng Alipay tại các điểm bán hàng 1.400 điểm bán hàng của PiPay ở các cửa hàng, spa, trạm xăng dầu và nhà hàng.
Đối tác ví điện tử của Alipay ở nước ngoai.Ảnh: Nikkei |
Không chỉ có Alipay và Wechat Pay
Các nhà phân tích tin rằng ví điện tử đang ngày càng thu hút sự chú ý Đông Nam Á nói chung, nhưng tăng trưởng chậm hơn so với ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ.
"WeChat Pay đến Malaysia có thể thay đổi điều đó," Baseer Ahmad Siddiqui, Giám đốc Nghiên cứu cao cấp của IDC Malaysia, cho biết. "Một môi trường thuận lợi và sự thiếu cạnh tranh sẽ giúp WeChat Pay có được thành công nhanh chóng ở Malaysia. Nếu hợp tác với dịch vụ như Grab và Uber để thanh toán, thì hãng này có thể thành công sớm hơn".
Theo Euromonitor, khu vực Đông Nam Á có sẵn cơ sở cho các hệ thống thanh toán di động, với 50% dân số tại 6 quốc gia lớn nhất sử dụng điện thoại thông minh. Con số này dự kiến sẽ đạt 70% vào năm 2021 và tiến gần đạt mức bão hòa 80% ở Nhật và Mỹ.
Euromonitor cũng dự đoán rằng giá trị thanh toán di động ở Đông Nam Á sẽ đạt 32 tỷ USD vào năm 2021 - tăng gấp 10 lần vào năm 2013.
Trong khi đó, các nhà phát triển địa phương đã tung ra các ứng dụng fintech di động của họ tại các quốc gia của họ. Ở Thái Lan, SCB Easy của Siambank và K Plus của Kasikornbank là hai nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động đang hoạt động tích cực. Các tổ chức phi ngân hàng bao gồm Line Pay, AirPay của Garena và mPay của AIS. Go-Jek ở Indonesia có Go-Pay, một ví tiền ảo, cũng có thể được sử dụng để giao nhận thực phẩm và mua sắm cá nhân. Cơ quan tiền tệ của Singapore gần đây đã công khai rằng nó sẽ tạo điều kiện cho một quan hệ đối tác trong các giao dịch xuyên biên giới giữa PayNow và PromptPay của Singapore, một nền tảng của Thái Lan.
Tencent và Alibaba không phải những người duy nhất để ý đến miếng ví điện tử béo bở tại ASEAN.