Minh Đức Thứ Hai | 09/07/2018 08:55

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến Việt Nam thế nào?

Theo đánh giá của một số chuyên gia, kinh tế Việt Nam ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Hậu quả như Đại suy thoái kinh tế

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng khi không bên nào chịu xuống thang. Bộ Thương mại Trung Quốc đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn Mỹ đang xem xét thực hiện vòng 2 các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh, dự kiến vào trung tuần tháng 7 này.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá để xảy ra cuộc chiến thương mại là lợi bất cập hại bởi không chỉ tác động đến kinh tế toàn cầu, mà bản thân kinh tế Mỹ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Theo tờ The Guardian, Thống đốc Ngân hàng Anh nhận định, GDP của Mỹ có thể giảm trong vòng 3 năm tới do tác động nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang.

Còn với Việt Nam, theo đánh giá của một số chuyên gia nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của nước ta.

FDI chuyển hướng

Theo CNBC, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ đẩy dòng đầu tư nước ngoài về Việt Nam. Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đã đang có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam bởi chi phí ở Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ.

Ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của Mekong Economics tại Hà Nội cho rằng, dòng vốn FDI có xu hướng "chảy" về phía Việt Nam, đặc biệt khi quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng bởi các nhà đầu tư luôn cần một môi trường ổn định.

Nhiều công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong và Trung Quốc đại lục đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa các dự án đầu tư của họ. Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó phải kể đến là nguồn lao động dồi dào, giá rẻ trong lĩnh vực chế biến - chế tạo, chuyên gia Adam McCarty đánh giá.

Theo ông Adam McCarty, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ là một điểm cộng cho Việt Nam, kích thích các doanh nghiệp tìm đến Việt Nam.

Chuyển hướng sang thị trường khác

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài.

Chủ tịch VCCI lo lắng nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ, và chuyển hướng sang các thị trường khác.

Cuoc chien thuong mai My - Trung tac dong den Viet Nam the nao?

Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hoá Trung Quốc lẽ ra xuất phẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa.

Với Trung Quốc, nếu nhà đầu tư của họ gặp khó khăn trong nước, họ sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Có nhiều ý kiến lo ngại về dòng vốn của Trung Quốc, tuy nhiên nếu Việt Nam biết lựa chọn, phân biệt thì sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển.

Ngày 6.7.2018, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại khi quyết định của Mỹ tăng thuế lên 25% đối với hơn 800 mặt hàng với tổng trị giá 34 tỷ USD nhập từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.

Trung Quốc gọi đây là cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế từ trước tới nay, và tuyên bố sẽ cũng đáp trả lại Mỹ với tổng giá trị hàng hóa tương đương, đồng thời sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nguồn CNBC/VOV/VTV