Khoảng hơn 100 tàu gắn cờ nước ngoài cùng hàng hoá và khoảng hơn ngàn thuỷ thủ đang bị mắc kẹt tại các cảng biển của Ukraine. Ảnh: TL.
Cuộc chiến Nga - Ukraine tác động ra sao đến vận tải biển quốc tế và Việt Nam?
Sự thay đổi trong cơ cấu vận chuyển khi các đường ống dẫn khí từ Nga qua châu Âu bị tắt, nhu cầu về năng lượng than đang rất lớn, điều này đẩy giá than lên cao làm giá cước các loại tàu có thể chở than sẽ tăng theo.
Một số vùng chiến sự các tàu vận chuyển không thể đi ngang qua. Bởi ngay từ ngày đầu tiên bị Nga tấn công, Ukraine đã đóng cửa tất cả các cảng biển của mình.
Theo một thống kê hiện có khoảng hơn 100 tàu gắn cờ nước ngoài cùng hàng hoá và khoảng hơn ngàn thuỷ thủ đang bị mắc kẹt tại các cảng biển của Ukraine, có tàu trúng tên lửa và đã có thuỷ thủ bị thương và thiệt mạng. Không chỉ vùng biển của Ukraine bị ảnh hưởng, toàn bộ tuyến giao thông trên Biển Đen và Biển Azov gần đó cũng đình trệ nghiêm trọng. Đây là tuyến đường xuất khẩu dầu thô và lương thực lớn hàng đầu thế giới.
Thuỷ thủ Nga và Ukraine trên khắp thế giới cũng cần phải thay thế, nếu tiếp tục sử dụng thủy thủ trên tàu, việc thanh toán tiền lương hay các chi phí là vấn đề đáng quan ngại khi hệ thống thanh toán của Nga đang bị cấm vận từ các nước Phương Tây. Đây không chỉ là vấn đề lớn mà còn là rất lớn khi trong số 1,89 triệu thuyền viên trên thế giới thì có đến hơn 10% là người Nga và 4% là thuyền người Ukraine.
Ảnh: TL. |
Một điều đáng ngại nữa là hàng trăm tàu biển chở hàng của Nga không có nơi để sửa chữa, lên đà bởi hầu hết các cảng biển ở châu Âu đã cấm các tàu treo cờ nước này vào các biển của họ bởi lệnh cấm vận đã được ban hành từ Mỹ và châu Âu.
Hơn nữa, Ukraine chiếm 16% và Nga khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu. Đây là khu vực xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 2 thế giới đã phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc có thể xảy ra tình trang thiếu lương thực tại Trung Đông và châu Phi gây nên tình trạng lạm phát toàn cầu. Dẫn đến tình trạng các tàu biển buộc phải thay đổi hướng vận chuyển, thay đổi loại hàng vận chuyển. Các mặt hàng truyền thống như sắt thép của Nga sản xuất trước đây thu hút lượng lớn các tàu vận tải từ Nga đi các nước Bắc Á thì nay tạm thời không thể tiếp tục được nữa.
Chiến sự bùng nổ, giá dầu trên toàn thế giới đã bật tăng lên rất cao do Nga là nhà cung cấp dầu mỏ, khí đốt hàng đầu trên thế giới. Chiến tranh cùng với các lệnh cấm vận về kinh tế của các nước phương tây đẩy giá dầu tăng lên có lúc đến hơn 130USD/thùng. Làm cho giá cước các tuyến vận chuyển đồng loạt tăng rất cao.
Trong đợt này, ở Ukraine, lượng tàu bị kẹt đã có hơn trăm tàu. Đội tàu của Nga có khoảng 6.500 chiếc không được vận chuyển đi các cảng khác trên thế giới do bị cấm vận. Bảo hiểm cho các tàu đến gần các khu vực có chiến sự xảy ra tăng từ 1% lên đến 5% giá trị con tàu.
Chiến sự leo thang, các đòn trừng phạt về kinh tế của Phương Tây đối với Nga ngày càng tăng cao, khả năng giá dầu có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao sau mấy ngày dao động ở mức trên dưới 120USD/thùng.
Tại cuộc họp trực tuyến được tổ chức bởi Tổ chức Hàng hải Quốc tế của Liên Hiệp Quốc với 40 nước thành viên của mình bàn bạc về việc tạo ra một hành lang hàng hải an toàn, giúp các tàu hàng và thuỷ thủ đang bị kẹt tại biển Đen và Biển Azov có thể di chuyển ra khỏi vùng có chiến sự tránh sự cố có thể xảy ra.
Với sự hoà nhập của kinh tế Việt Nam với thế giới hiện tại, các tác động tiêu cực ngay lập tức ảnh hưởng lên đời sống người dân trong nước khi tất cả giá cả các mặt hàng cũng như dịch vụ đều tăng cao. Giống như các hãng hàng không phải né các tuyến bay trên một số không phận của Nga và và toàn bộ không phận Ukraine thì các chuyến tàu biển của Việt Nam cũng hạn chế tiếp cận khu vực này. Điều này cũng hạn chế một số thị trường có số lượng hàng lớn và giá cước khá tốt của các doanh nghiệp vận tải dầu khí hay hàng rời.
Giá hàng hoá và năng lượng tăng, giá cước vận chuyển tăng đẩy giá thành các loại hàng hoá tiêu dùng lên cao, dẫn đến lạm phát, khủng hoảng kinh tế qui mô toàn cầu có thể xảy ra trong thời gian sắp đến. Việt Nam cũng nằm trong sự vận hành chung của nền kinh tế toàn cầu, không tránh khỏi những tác động tiêu cực.
(*): Chủ tịch HĐQT Công ty ShipOffer